Thursday, January 2, 2014

Giá Trị Tiềm Ẩn Ngày mồng một tháng Giêng 2014, tôi đọc lướt qua emails và thấy bài viết ngắn sau đây. Tôi thêm bình luận và xin chia sẻ với các sinh viên Trường Kinh thánh cho Việt nam, Ngày xửa ngày xưa, bên Ai Cập có một vị hiền triết tên là Zun-Nun. Ngày kia, một anh thanh niên đến và hỏi ông: "Thưa ngài, tôi không hiểu tại sao những người đáng kính như ngài luôn ăn mặc theo một cách giống nhau và luôn luôn đơn giản như vậy. Chẳng lẽ không cần chưng diện một tí, không phải để khoe khoang, nhưng còn vì mục đích khác nữa chứ, thưa ngài?". Nhà hiền triết chỉ cười và cởi chiếc nhẫn ở tay ra, trao cho chàng trai và nói: "Này anh bạn trẻ, ta sẽ trả lời câu hỏi của cậu, nhưng trước tiên cậu phải giúp ta việc này đã. Hãy cầm lấy chiếc nhẫn này và đi đến khu chợ bên kia đường, cậu hãy đổi nó lấy một đồng vàng". Cầm chiếc nhẫn đen đúa của Zun-Nun trên tay, chàng thanh niên tỏ vẻ nghi ngại: "Một đồng vàng? Tôi không chắc là chiếc nhẫn có thể bán được với giá đó". "Thử trước đã chàng trai, ai biết được điều gì có thể xảy ra?". Chàng trai trẻ phóng nhanh ra chợ. Anh ta đem chiếc nhẫn vào hàng tơ lụa, rau cải, thịt cá và rất nhiều nơi khác. Nhưng sự thực là không ai đồng ý trả cho anh ta với cái giá đó. Anh ta quay về gặp Zun-Nun và nói: "Thưa ngài, không một ai đồng ý bỏ ra một số tiền nhiều hơn một đồng bạc để mua chiếc nhẫn này cả". Với một nụ cười nhẹ nhàng trên khuôn mặt trầm tĩnh, nhà hiền triết đáp lời: "Bây giờ anh hãy ra tiệm vàng ở cuối đường, đưa chiếc nhẫn này cho ông chủ. Đừng yêu cầu giá bán nhưng chỉ lắng nghe xem ông ta trả giá bao nhiêu". Chàng thanh niên đi đến tiệm vàng theo yêu cầu và sau đó quay về với vẻ mặt khác hẳn. Anh ta nói: "Thưa ngài, những lái buôn ở chợ rõ ràng không biết giá trị của chiếc nhẫn này, người chủ tiệm vàng đã đồng ý mua chiếc nhẫn này với giá một ngàn đồng vàng, và giá trị thật của nó thì gấp cả ngàn lần so với cái giá của những con buôn ở chợ" Zun-Nun mỉm cười và ôn tồn nói: "Đó là câu trả lời cho câu hỏi của anh. Không thể đánh giá con người mà chỉ dựa vào cách ăn mặc bề ngoài. Những lái buôn ở chợ định giá theo kiểu đó. Nhưng những nhà buôn vàng thì không như thế. Vàng và đá quý tồn tại bên trong mỗi con người, chỉ có thể được nhận ra và xác định giá trị nếu anh có thể nhìn thấu tâm hồn. Cần có con tim để nhìn và cả một quá trình dài lâu. Chúng ta không thể ngang nhiên đánh giá người khác mà chỉ dựa vào những lời lẽ và cách cư xử trong một lúc nào đó. Nhiều lúc cái mà ta nghĩ là vàng hóa ra là đồng thau, nhưng thứ ta tưởng là đồng thau thì lại chính là vàng thật". Lời đầu tiên Chúa Giê-Su phán với ông Ni-cô-đem, khi vị quan Do thái này ra mắt Ngài là: “Thật vậy, Ta bảo ông, nếu một người chẳng sinh từ thiên thượng [†] thì không thể thấy Nước Đức Chúa Trời!” Ngày nay, nhờ Đức Thánh Linh là Thần Lẽ Thật, chúng ta mới hiểu lời dạy thâm uyên của Chúa, nhưng Ni-cô-đem lúc ấy không thể hiểu được. Nhờ sự dạy dỗ của Đức Thánh Linh chúng ta có thể hiểu ý Chúa muốn nói. Khi chúng ta chưa được sinh lại bởi Đức Thánh Linh, chúng ta chưa có giá trị thật, vì Đức Thánh Linh chưa ngự trong tâm chúng ta. Những nhà địa chất cho biết: “Kim cương được tạo thành từ những khoáng vật có chứa cacbon dưới nhiệt độ và áp suất rất cao. Trên Trái Đất, mọi nơi đều có thể có kim cương bởi vì ở một độ sâu nào đó thì sẽ tồn tại nhiệt độ đủ cao và áp suất đủ lớn để tạo thành kim cương.” Như vậy, thứ nhứt, kim cương quí giá được tạo thành từ cacbon, chỉ được dùng để đốt. Thứ hai, kim cương được luyện bằng áp xuát và sức nóng. Chúng ta có thể ví một Cơ đốc nhân trưởng thành trong Chúa Cứu Thế với một viên kim cương. Trước khi tin Chúa, một người giống như cacbon đen đúa vì tội lỗi. Kinh thánh nói, “vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất vinh quang của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23--Bản dịch 2002). Sau khi tin nhận Chúa Giê-Su làm Cứu Chúa, người ấy được tha thứ, để trở nên tinh sạch, vì Đức Thánh sẽ ngự vào lòng người ấy. Tuy nhiên, chất than vẫn còn tồn đọng trong lòng người ấy, cho đến khi người ấy tận hiến cuộc đời mình cho Ngài. Kim cương thật có giá trị khi nào không còn một chút cacbon nào đọng lại ở trong. Thợ kim hoàn phải dùng kính lúp để định giá trị của viên kim cương. Cácbon chỉ trở thành kim cương khi độ nóng đủ cao và dưới sức ép lớn. Muốn trưởng thành trong Chúa, giống Chúa, Cơ đốc nhân phải được vượt qua thử thách và gian nan. Một người đứng trên núi cao không lớn lên được, nhưng chỉ vươn lên khi ở dưới thung lũng sâu. Hội thánh Chúa phát triển qua những cơn bách hại. Trong những nước tự do, Cơ đốc giáo lại thụt lùi vì thiếu sức ép. Sách Đa niên kể chuyện ba thanh niên Do thái bị lưu đày ở Ba-by-lôn, bị ép phải quỳ lạy pho tượng do Na-bu-cát-nết-sa dựng lên. Nếu từ chối họ sẽ bị ném vào lò lửa. Sa-đơ-rắc, Mê-sác, và A-bết Nê-gô tâu lê n vua, “Muôn tâu bệ hạ, chúng tôi không cần phải biện minh về vấn đề này. Nếu có một thần có quyền giải cứu chúng tôi, thì đó chính là Đức Chúa Trời chúng tôi đang phục vụ. Ngài có khả năng giải cứu chúng tôi khỏi lò lửa cháy phừng phừng và Ngài sẽ giải cứu chúng tôi khỏi tay bệ hạ. Còn nếu như Ngài không giải cứu chúng tôi, xin bệ hạ biết chắc rằng chúng tôi vẫn một mực không thờ các thần của bệ hạ, cũng không quỳ lạy pho tượng vàng bệ hạ đã cho dựng lên” (Đa-niên 3:16-18). Họ chấp nhận chịu chết vì Đức Chúa Trời họ thờ phượng. Hệ quả là Đức Chúa Trời mà họ hầu việc đã giải cứu họ ra khỏi lò lửa và được thăng quan tiến chức. Ngoài ra, họ còn cải đạo nhà vua. Nê-bu-cát-nết-sa tuyên bố: “Ngợi khen Đức Chúa Trời của Sa-đơ-rắc, A-bết Nê-sác và A-bết Nê-gô! Ngài đã sai thiên sứ Ngài giải cứu đầy tớ Ngài, là những người tin cậy Ngài, thà bất tuân lệnh vua, hy sinh tính mạng hơn là cúng thờ quỳ lạy thần nào khác ngoài Đức Chúa Trời của họ. Vì thế, ta ban hành nghị định này cho mọi quốc gia, dân tộc, và ngôn ngữ: bất cứ ai xúc phạm đến Đức Chúa Trời của Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết Nê-gô thì thân thể sẽ bị lăng trì, và nhà cửa bị tịch thu. Vì không có thần nào khác có quyền giải cứu như vậy” (Đa-niên 3:28, 29). Sa-đơ-rắc, A-bết Nê-sác và A-bết Nê-gô là than đá trở thành kim cương dưới áp lực và trong lửa hừng. Chúa Giê-su mô tả Nước thiên đàng trong sách Tin lành Ma-thi-ơ như sau: “Nước Thiên Đàng ví như kho châu báu chôn giấu trong ruộng. Có một người tìm thấy kho báu đó thì đem giấu. Quá mừng rỡ, người ấy đi bán hết gia tài mình để mua thửa ruộng đó.” (Ma-thi-ơ 13:44—BD 2002) ““Nước Thiên Đàng cũng ví như một thương gia đi tìm ngọc trai quý. Khi tìm được viên ngọc quý giá, liền đi bán hết gia tài để mua viên ngọc ấy.” (Ma-thi-ơ 14:45, 46) Chúng ta, những người đang học Kinh thánh và dạy Kinh thánh là những người biết giá trị của Tin lành. Hi vọng chúng ta đầu tư tất cả những gì Chúa ban vào Nước ấy. Muốn “trở nên người trưởng thành, đạt đến tầm vóc đầy trọn của Đấng Cơ Đốc” chúng ta phải chịu sức ép của đời, trải qua thử thách, tranh chiến với khó khăn trong cuộc sống. Điểm thứ hai mà tôi học được từ câu chuyện dụ ngôn ở trên là sự phán xét hời hợt. Chúng ta có khuynh hướng hay vội xét đoán một người qua bế ngoài của người ấy. Đức Chúa Trời mong muốn chúng ta có tấm lòng trong sạch. Điều này không có nghĩa là ăn mặc xốc xếch, dơ bẩn, nhưng “lành cho sạch, rách cho thơm.” Điều buồn cười là người ta ăn diện khi đi dự tiệc cưới, còn đi Nhà thờ thì không quan tâm, có khi còn mặc quần short (ngắn như người Châu Âu). * Năm mới xin mời quí vị cùng tôi dâng lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thanh tẩy tấm lòng của con cho con giống như vàng được tinh luyện bằng lửa. Con chỉ có một ước mơ, ấy là được nên thánh, biệt riêng cho Ngài. Con lựa chọn được biệt riêng ra cho Chúa, sẵn sàng làm theo ý Cha.” (Purify My Heart—Brian Doerkson). Huỳnh ngọc Ẩn Mồng hai, tháng Giêng 2014

No comments:

Post a Comment