Thursday, January 30, 2014

Con Người Gương Mẫu Năm trăm năm trước Chúa Giê-Su ra đời, Không Tử dạy triết lý của ông mà ngày nay chúng ta được biết dưới tên là ”Khổng giáo.” Khổng tử muốn đào tạo ra những người lãnh đạo gương mẫu, gọi là “người quân tử,” “con của vua,” một mẫu người lãnh đạo lý tưởng. Người quân tử là người giữ tam cương—ba mối liên hệ: vua--tôi, chồng--vợ, và cha--con--được tốt đẹp. Để đạt được mục đich ấy người quân tử phải thực thi năm giá trị luân lý—nhân, nghĩa, lễ, trí và tín. Trước hết chúng ta xem qua ba mối liên hệ. TAM CƯƠNG Tam cương là ba mối liên hệ quan trọng của người quân tử. I. LIÊN HỆ VUA TÔI Người quân tử phải trung thành và phục tùng nhà vua, người có thẩm quyền tuyệt đối trên người dân của mình. Nếu nhà vua ra lệnh cho đầy tớ mình phải chết, tôi tớ của ông phải sẵn sàng chấp nhận án tử hình. Bất kỳ khiếu nại chống lại lệnh của nhà vua bị coi là bất trung. Tuy nhiên, Khổng Tử cũng mong muốn nhà vua phải công chính, không chuyên chế; nhà vua cũng phải là người quân tử. Nguyên nhân của những cuộc nổi dậy là vì nhà vua thiếu chính trực. II. LIÊN HỆ CHA CON Nhiệm vụ của một người con trai là hết lòng phục vụ cha mình, dù khi còn sống hay sau khi chết. Con trai phải chăm sóc cha mình. Sau khi cha qua đời, người con trai dựng bàn thờ để thờ cha. Mối quan hệ đó được gọi là " lòng hiếu thảo”. Nhiều quốc gia châu Á vẫn đang giữ truyền thống đó. Nhưng, như chúng ta biết, đó chỉ là hình thức bề ngoài. Một người con trai đầu lòng được ca ngợi khi ông xây một cái mộ tuyệt đẹp cho cha mẹ, và cúng kiến vào những ngày kỷ niệm, dù anh không tôn kính cha mẹ khi họ còn sống. III. LIÊN HỆ CHỒNG VỢ Khổng giáo nhấn mạnh sự liên hệ của người vợ đối với chồng nhiều hơn là chồng đối với vợ. Một người vợ,theo Nho giáo, có ba nghĩa vụ: đầu tiên, một phụ nữ độc thân phải phục tùng cha mình, thứ hai, nếu đã kết hôn, cô phải phục tùng chồng, và thứ ba, sau khi chồng qua đời thì lệ thuộc con trai của mình. Nếu người chồng thực thi được năm giá trị luân lý—nhân, nghĩa, lễ, trí và tín—thì là một người chồng không chổ chê trách được. HAI MỐI LIÊN HỆ NỒNG CỐT CỦA CƠ ĐỐC NHÂN Theo lời Chúa Giê-su dạy, người Cơ đốc chỉ có hai mối liên hệ chính, liên hệ với Đức Chúa Trời và liên hệ với người lân cận. I. LIÊN HỆ VỚI TRỜI “Đức Chúa Giê-xu đáp: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi.” Ma-thi-ơ 22:37 Lúc ban đầu Đức Chúa Trời tạo ra loài người, Chúa và loài thọ tạo có mối liên hệ rất tốt. Ngài gặp họ mỗi ngày (Sáng thế 3:8). Nhưng, loài người không tin cậy Đức Chúa Trời và không nghe lời Ngài truyền, do đó mối liên hệ giữa Đấng Tạo Hóa và loài thọ tạo bị đứt đoạn. Đấng Tạo Hóa mong muốn hàn gắn lại mối liên hệ ấy. Ngài muốn loài người yêu mến Ngài hết lòng. Nhưng con người tìm mọi cách để tái lập mối liên hệ với Đức Chúa Trời, nhưng không đáp ứng yêu cầu của Ngài. Kinh thánh cho biết chỉ có một con đường để tiếp cận Chúa, đó là qua Chúa Giê-Su. Yêu mến Đức Chúa Trời với hết cả tấm lòng nghĩa là vâng phục. Chúa muốn chúng ta vâng lời Ngài vì lợi ích của chúng ta, trong khi nhà vua chỉ muốn thần dân phục tùng vì lợi ích riêng của vua. Người Việt Nam có câu: “Con cãi cha mẹ, trăm đàng con hư.” Cãi lời Đức Chúa Trời thì cũng không được tốt lành. Chúa Giê-Su dạy, “Nếu ai yêu mến Ta, thì sẽ vâng giữ lời Ta, Cha Ta sẽ yêu thương người, Chúng Ta sẽ đến cùng người, và ở với người” (Giăng 14:23). Khi người tin Chúa Giê-Su vâng giữ lời dạy của Ngài thì sẽ được Đức Chúa Cha thương yêu, ban phước và chăm sóc. Một người không trung thành với vua thì sẽ không được xem là người quân tử. Đức Chúa Trời muốn những ai tin cậy Ngài, trung thành với Ngài, nhưng Ngài cũng cho chúng ta quyền lựa chọn: trung thành hay không trung thành. Ai trung thành sẽ hưởng phước hạnh trong đời này và “mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời” (Ê-phê-sô 1:3--Bản dịch Truyền thống). II. LIÊN HỆ VỚI NGƯỜI LÂN CẬN “…và yêu thương người lân cận như chính mình.” Lu-ca 10:27 Đức Chúa Trời tạo ra loài người để chung sống với nhau và giúp đở lẫn nhau. Vì tội lỗi loài người không tôn trọng lẫn nhau, nhưng tranh chiến với nhau, tạo bất hòa và bất ổn. Để có thể thương yêu người lân cận như mình, trước hết mối liên hệ với Đức Chúa Trời cần phải được tái lập. Một khi được hòa thuận với Chúa thì loài người mới có thể hòa thuận lẫn nhau. Nhiều người không hiểu tại sao nước này nghịch cùng nước kia, người này lại ghét người nọ, nhưng họ biết, nếu các dân, các nước hợp tác với nhau thì sự sống sẽ vui thỏa là dường nào. Bất cứ ai có thể gìn giữ hai mối liên hệ nói trên tốt đẹp là đáp ứng yêu cầu của Đức Chúa Trời. Hai mối liên hệ này là nền tảng của những mối liên hệ khác. NĂM PHẨM HẠNH CỦA NGƯỜI QUÂN TỬ Để đủ tư cách của người quân tử, một người nam phải thực thi năm phẩm hạnh sau đây. • Nhân: Là lòng từ thiện. Khổng Tử nói: Khi ở nhà giữ gìn dung mạo khiêm cung; khi ra làm việc thi hành một cách kính cẩn; khi giao thiệp với người, giữ lòng trung thành. Dẫu đi tới các đoàn rợ phương đông và phương bắc, cũng chẳng bỏ ba đức hạnh cung, kính và trung ấy, như vậy là người có đức nhân • Nghĩa: Là việc nên làm hay là cách xử sự phải đường hoàng, hào hiệp. Hành vi của con người phải tuân theo tính chính đáng, chú trọng quy tắc, tiêu chuẩn, trọng tâm là nghĩa vụ và trách nhiệm. Trước khi làm gì phải xem xét hành vi đó có hướng đến điều “thiện” hay không, có thể hiện tiêu chuẩn đạo nghĩa, ý thức trách nhiệm với cộng đồng hay không. • Lễ: Sự tôn trọng, hòa nhã trong khi cư xử với mọi người, mở rộng ra là việc tuân thủ các quy tắc, nguyên tắc đạo đức xã hội và pháp luật. Một cách căn bản, chính nghi lễ và nghi thức làm cho cuộc sống quân bình. Lễ làm bền vững nền văn hiến của một nước, lễ mà bại hoại thì văn hiến cũng tiêu tan. Khổng Tử nói: "Cung kính mà thiếu lễ thì làm thân mình lao nhọc. Cẩn thận mà thiếu lễ thì trở thành nhút nhát. Dũng cảm mà thiếu lễ sẽ trở thành rối loạn. Ngay thẳng mà thiếu lễ sẽ trở nên thô lỗ”. • Trí: Óc khôn ngoan, sáng suốt. Cảm giác đúng và sai. Biết tiên liệu, tính toán để hành động hợp đạo lý. • Tín: Giữ đúng lời, đáng tin cậy. Chữ tín vốn nằm trong 4 điều trên, sau này được tách ra để thành Ngũ thường. Tín là thước đo, là sự phản ánh 4 giá trị trên. Đạt được những phẩm hạnh cũng không dễ hơn giữ những Điều răn của Môi-se. Khổng Tử muốn đào tạo người quân tử để trở thành một nhà lãnh đạo không chổ chê trách được, để trị quốc và lo cho dân. Tu thân nghĩa là rèn luyện tinh thần để đạt được năm phẩm hạnh của người quân tử. Tu thân là điều kiện tiên quyết để tề gia; phải tề gia trước rồi mới có thể trở thành lãnh đạo--trị quốc. Ngày nay, chúng ta không tìm ra được nhiều nhà lãnh đạo quan tâm đến tu thân, tề gia và năm phẩm tính nói trên. CHÍN MỸ ĐỨC CỦA CƠ ĐỐC NHÂN “Nhưng trái của Thánh Linh là: Yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, khiêm nhu, tiết độ.” (Ga-la-ti 5:22) Trong khi người quân tử phải thực thi năm phẩm tính, Cơ đốc nhân nhận được từ Đức Thánh Linh chin mỹ đức. Đây không phải là một vấn đề gắng công ra sức, nhưng là một sự lựa chọn đầu phục Chúa, người chủ thiêng thượng. Phao Lô, trong thư Ga-la-ti, nói, “Tôi đã cùng bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Cơ Đốc, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Cơ Đốc sống trong tôi…” (2:20) Với sức người, không ai có khả năng thực thi chin mỹ đức nói trên. Chỉ khi nào Chúa Cứu Thế thật sự cai trị linh hồn một Cơ đốc nhân thì người ấy mới có đạt được chin mỹ đức ấy. Chúng ta có thể ví công việc này với một người tài xế giao tay lái cho Chúa điều khiển, và người ấy ngồi ngắm cảnh thiên nhiên tuyệt vời, và được đưa đến điểm đến an toàn. 1. TÌNH YÊU THƯƠNG Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời là tình yêu thương, và con người được tạo dựng theo hình và tượng Ngài. Cho nên, con người có nhu cầu yêu và được yêu thương. Chúa Giê-su dạy, “Không có tình yêu thương nào lớn hơn tình yêu thương vì bạn hữu mà hi sinh mạng sống mình” (Giăng 15:13). Rất hiếm có ai vì lòng nhân có thể hi sinh mạng sống mình vì bạn hữu. Đức Chúa Trời vì yêu thương nhân gian phải hi sinh Con một của Ngài, để nhờ Con ấy loài người mới có thể làm hòa lại với Ngài, mới có thể tái lập mối liên hệ bị tội lỗi cắt đứt. Một người có mối liên hệ tôt với Chúa mới có tình thương yêu. Con mang trong máu ADN của cha. Người có Chúa có tình yêu của Ngài. Sứ đồ Giăng trong thư Giăng 1, nói, “Nếu có ai nói: ‘‘Tôi yêu thương Đức Chúa Trời,” mà lại ghét anh em mình, thì người ấy là kẻ nói dối. Vì người nào không yêu thương anh em mình thấy, thì không thể yêu thương Đức Chúa Trời mình không thấy được. 1 Giăng 4:20 Người dân tộc Karen ở Myanmar theo Cơ đốc giáo rất đông. Họ bị bắt bớ, hoạn nạn. Gần đây, khi Philippines bị siêu bảo tàn phá, người Karen trong một trại tị nạn quyên góp được 212 đô la để gởi giúp người Philippines, kèm theo một lá thư. Người đại diện viết, “Khi chúng tôi gặp khó khăn, họ giúp chúng tôi. Cả thế giới đổ vào để giúp. Chúng tôi không cho từ sự dư dật, nhưng từ lòng dâng hiến cho Đức Chúa Trời, vì Ngài đã gìn giữ chúng tôi trong mùa khô hạn trong trại tị nạn. Chúng tôi muốn gởi một món quà mọn, từ tấm lòng đến anh chị em người Philippines.” Đó thực là lòng nhân. 2. VUI MỪNG Trong bức thư gởi H ội th ánh Phi-líp, Phao-Lô khuyến khích họ vui mừng trong khi, đáng lý họ phải khuyến khích ông vui mừng vì ông đang bị ở tù tại La-Mã. Sự vui mừng là ý tưởng chủ yếu của thư tín Phi-líp. Vui mừng và cảm xúc liên hệ xuất hiện 19 lần trong tín thư này. Vui mừng là một trong chín bông trái của Đức Thánh Linh, nó không lệ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài, nhưng là một kết quả của người tín đồ thiêng liêng. Một người chỉ nhận được loại vui mừng này qua mối liên hệ mật thiết với Chúa Cứu Thế. Trong Ngài chúng ta có sự vui mừng. Ngài ban linh lực để chúng ta có thể vui mừng trong nghịch cảnh như trường hợp của Phao-Lô. Ở trong tù ông vẫn có thể khuyên người được tự do, “Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn; tôi xin nhắc lại: Hãy vui mừng lên” (Phi-líp 4:4). Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên người tin Chúa không nên để cho hoạn nạn, thử thách làm nản lòng vì chúng chỉ tạm thời. Nhưng chúng ta cần nên vui mừng vì đức tin sẽ lớn lên khi bị thử thách. Ông cũng bảo chúng ta vui mừng hầu dự phần vào khổ nạn của Chúa Giê-Su, để chúng ta quá vui khi sự vinh hiển Ngài được phơi bày ra (1 Phi-e-rơ 4:13). Sứ đồ Gia-cơ đồng tình với Phao-Lô và Phi-e-rơ khi ông dạy, “Thưa anh chị em, khi gặp những thử thách khác nhau, anh chị em hãy xem tất cả là điều vui mừng, vì biết rằng đức tin anh chị em có bị thử nghiệm mới sinh ra kiên nhẫn, kiên nhẫn có hoàn tất công việc thì anh chị em mới trưởng thành, toàn vẹn, không thiếu sót gì” (Gia-cơ 1:2-4). Nếu những sứ đồ không nắm bắt những lẽ thật này, họ cảm thấy nản lòng, và mất hết nghị lực khi họ không tin rằng Chúa của họ vẫn ở bên cạnh và sẵn sàng nâng đở họ lên. Muốn vui hưởng đời sống dư dật theo ý muốn của Chúa, tín đồ cần giữ mối liên hệ thân thiết với Cứu Chúa. Nhiều người phải tuận đạo, nhưng không phải ai cũng phải tuận đạo, nhưng tín đồ phải tập vui mừng trong nghịch cảnh vì con đường Chúa đi không phải lúc nào cũng bằng phẳng, nhưng đầy chông gai, như Ngài đã báo trước cho chúng ta, “Trong thế gian, các con sẽ gặp hoạn nạn; nhưng hãy an tâm! Ta đã thắng thế gian rồi” (Giăng 16:33). Ngài đã thắng thế gian rồi, đó có phải là điều đáng cho chúng ta vui mừng không? 3. BÌNH AN Bình an dịch từ Hi văn eirene có hai cách dùng: a. “Chỉ sự an cư lạc nghiệp dưới một chế độ công bằng, bác ái của một vị minh quân. “ b. “Chỉ một trật tự tốt tại thành phố hay trong làng mạc. Hi văn eirene tương đương với tiếng Hi bá lai shalom không chỉ có nghĩa tránh khỏi những khó khăn, nhưng ý chính của nó là tất cả những gì đem lại lợi ích tốt nhất cho con người.” Đối với vị hoàng đế khắc kỷ La mã Marc Aurèle “bình an là một trạng thái tâm trí lý tưởng.” `Trong khi hòa bình rất quí cho mọi quốc gia để phất triển và thịnh vượng, bình an tối quan trọng cho loài người để vui sống. Loài người không thể có yên nghỉ trong lòng khi chưa hòa thuận với Đ ức Ch úa Tr ời; và con người chỉ có thể hòa thuận với Đấng Sáng tạo qua cái chết chuộc tội của Chúa Cứu Thế. Ai tin nhận Chúa Giê-Su làm Cứu Chúa được tha tội và hòa thuận với Đ ức Ch úa Tr ời. Người tin Chúa Giê-Su sẽ có bình an vì Ngài là “Chúa Bình An,” và là Đấng ban bình an. Ai tin Ngài thì Đức Thánh Linh ngự vô lòng, và nhờ Đ ứ c Th á nh Linh người đó có những bông trái gọi là bông trái Thánh Linh trong đó có sự bình an. Những tín hữu nào còn nặng gánh lo âu, tâm thần bối rối, bị trầm cảm cần cầu nguyện và nhờ Hội Thánh cầu thay, ví ý Chúa không phải là bất an, nhưng bình an. Bất an khiến chúng ta suy nhược thần kinh. 4. NH ỊN NH ỤC Hi văn “makrothumia” l à sự nhịn nhục đối với con người. Một người có thể trả thù, nhưng không làm; một người chậm giận (Thánh Chrystom). Nhịn nhục là một trong những bản tính của Đức Chúa Trời. Nếu Ngài là ocn người thì thế gian đã bị tiêu diệt từ lâu, nhưng Ngài chịu đựng con người. (Tham chiếu Rô-ma 2:4; 1 Ti-i-mô-thê 1:18; 1 Phi-e-rơ 3:20). 5. NH ÂN T Ừ (NH ÂN ÁI, L ÒNG TH Ư ƠNG X ÓT) “Nhân từ tuy không cùng nghĩa với lòng tốt, lòng tử tế, lòng thương xót, lòng trắc ẩn… nhưng những từ ngữ này hay được dùng thay thế nhau. Tình yêu là động lực của lòng nhân từ, nhân từ là nỗ lực diễn tả tình yêu một cách hiển nhiên. Trong khi tình yêu gây cảm xúc, nhân từ đưa đến hành động như làm điều thiện, làm lành…” (An Khang Tâm Linh—Châu Sa, trang 17). Những người làm công tác từ thiện là những người có lòng nhân. Chúng ta có thể nhận thấy những nước cứu tế nhiều là những nước “yêu thương người lân cận như mình”. "Đức Giê-hô-va có lòng thương xót, hay làm ơn, Chậm nóng giận, và đầy sự nhân từ." - Thi-thiên 103:8 "Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy." - Ê-phê-sô 4:32 Nhân từ là bản tính của Đức Chúa Trời. Người tin Ngài phải bắt chước Ngài. Điều này không phải dễ làm, nhưng bất khả thi. Duy chỉ khi nào Chúa Giê-su ban sức chúng ta mới có lòng nhân. 6. HIỀN LÀNH—NHU MÌ—KHIÊM HÒA • tuân thủ và lo lắng cho phù hợp với ý kiến của mình về những người khác • phục tùng và phục tùng. • bình tĩnh, không dễ bị khiêu khích hoặc bị kích thích; không vô ích, hay kiêu ngạo, hay bực bội; phục tùng. • dịu dàng bình tĩnh, kiên nhẫn. Kinh thánh nói, “Ngài sẽ dẫn kẻ hiền từ cách chánh trực, Chỉ dạy con đường Ngài cho người nhu mì.” Thi thiên 25:9 Đức Chúa Trời hứa sẽ dẫn dắt kẻ hiền từ, và dạy người nhu mì. “Thà khiêm nhượng mà ở với người nhu mì, Còn hơn là chia của cướp cùng kẻ kiêu ngạo.” Châm ngôn 16:19 “Phước cho những kẻ nhu mì, vì sẽ hưởng được đất!” Ma-thi-ơ 5:5 Đức Chúa Trời sẽ thưởng cho ai vâng phục Ngài. Kinh thánh nói về Môi-se, “Vả, Môi-se là người rất khiêm hòa hơn mọi người trên thế gian.” Dân số 12:3 Câu này được đưa vào để giải thích là Môi-se đã giữ được bình tĩnh, không minh oan cho mình khi bị bà Mi-ri-am và ông A-rôn chỉ trích và lý do tại sao Chúa kịp thời can thiệp vào vụ việc. 7. TRUNG TÍN Người quân tử trung tín với vua đến độ phải vui vẻ chấp nhận cái chết dù cho bị bức hiếp, hoặc đối xử bất công. Đức Chúa Trời chỉ yêu cầu người yêu mến Ngài vâng giữ điều răn và mệnh lệnh của Ngài. “Nếu con cháu người từ bỏ Kinh Luật của Ta Và không đi theo sắc lệnh của Ta…Thì Ta sẽ lấy trượng phạt đòn sự vi phạm của chúng nó Và dùng roi mà phạt sự gian ác của chúng.” Thi thiên 89:30, 32 (Bản dịch mới) Và khi họ không vâng giữ mệnh lệnh của Chúa thì Ngài chỉ đánh đòn họ mà thôi. Nhưng Ngài “sẽ chẳng cất lấy sự nhân từ ta khỏi người, Và sự thành tín ta cũng sẽ chẳng hết.” (Thi thiên 89:33) Chúa yêu cầu người tin Ngài trung tín với Ngài, nhưng Ngài cũng thành tín với họ, trong khi nhà vua không cần phải thành tín với tôi tớ của vua. 8. TIẾT ĐỘ Tiết độ là biết tự chế. Từ này được dịch từ Hi văn ἐγκράτεια (egkrateia). Nó có nguồn gốc từ ἐν en và kratos, κρατος "sức mạnh", sức mạnh có thể kềm chế đam mê thích thú và độc ác tất cả các loại. Nó biểu thị sức mạnh mà một người đàn ông có trên các khuynh hướng xấu xa của bản chất của mình. “Người Cơ đốc không chỉ kiêng đồ uống say sưa, nhưng cũng kiêng tất cả những đam mê, người sẽ tiết độ trong cách sống của mình, và trong sự xử lý tâm tính của mình. Một Cơ đốc nhân phải là một người tiết độ, và nếu ảnh hưởng của tôn giáo không sinh sản ra phẩm tính này, thì đó là sai lầm và vô ích. Kiêng đồ uống say sưa, cũng như những sự phấn khích không phù hợp, là yêu cầu của tôn giáo. Không có ai từng bị tổn thương vì tiết độ chặt chẽ, kiêng cử rượu mạnh. Không có gì tai tiếng hơn là say sưa, và một người chịu ảnh hưởng của Chúa Thánh Linh là một người có tiết độ.” Trong Kinh thánh Cựu Ước tôi thấy có ba thanh niên có tư cách của người “quân tử”, và cũng có bông trái của Thánh Linh. Đó là Giô-sép, Đa-vít và Đa-niên. • GIÔ SÉP Bị bán làm nô lệ, ông không than trời, trách đất, nhưng hết lòng phụ vụ chủ, đến độ chủ tin cậy, giao quyền quản lý mọi việc trong nhà. Khi bị cám dỗ Giô sép không đầu hàng vì trung thành với chủ và vợ của chủ. Ông là người có nghĩa, đáng tin cậy. Ông không phạm tội, nhưng bị chủ giam vào ngục, Giô sép cũng không trách trời, cũng không oán hận người. Ông không nhìn lại đàng sau, nhưng quan tâm đến hiện tại và vui mừng trong Chúa, hết lòng phục vụ mọi người. Ông khôn ngoan, can đảm, nhu mì, tài trí. Ông tiên đoán kinh tế Ai cập sắp phát triển mạnh trong bảy năm, rồi bị suy thoái trong bảy năm. Ông có kế hoạch quản lý kinh tế, và được chọn làm Thủ tướng của một đại cường. Giô sép là người tài và đức vẹn toàn, là một người lãnh đạo gương mẫu của mọi thời đại. Ông cũng là người nhu mì trong cách đối xử với những người anh đã bán ông. Khi họ sợ ông trả thù ông trấn an họ, “Các anh em hãy lại gần tôi. Họ bèn lại gần. Người nói: Tôi là Giô-sép, em mà các anh đã bán đặng bị dẫn qua xứ Ê-díp-tô. Bây giờ, đừng sầu não, và cũng đừng tiếc chi về điều các anh đã bán tôi đặng bị dẫn đến xứ nầy; vì để giữ gìn sự sống các anh, nên Đức Chúa Trời đã sai tôi đến đây trước các anh.” Sáng thế 45:4, 5 Các anh của Giô sép sấp mình trước mặt ông, ông được quyền báo thù, nhưng tự chế, và nhận biết kế hoạch của Đức Chúa Trời. • ĐA VÍT Là con út trong gia đình Đa-vít được giao cho một nhiệm vụ ít quan trọng hơn hết. Đa-vít hết lòng chu toàn nhiệm vụ của ông. Khi chăn chiên của cha mình, hễ có sư tử hay là con gấu đến tha một con chiên của bầy thì ông đuổi theo, đánh nó, rứt con chiên khỏi miệng nó; hễ nó cất lên cự lại, thì ông nắm râu nó, đánh và giết nó đi. (1 Sa-mu-ên 17:34, 35) Đa-vít là một thanh niên dũng cảm. Cái dũng của Đa-vít là cái dũng của người Phương Nam, nghĩa là cái dũng có mưu trí, không phải cái dũng không có mưu kế. Ông dũng cảm khi đối diện người khổng lồ Đa-vít. Khi ông hỏi về phần thưởng dành cho người chiến thắng Gô-li-át, ông đã có kế hoạch hạ người không cắt bì này rồi. Ông can đảm vì có kinh nghiệm chiến đấu với thú dữ trong đồng vắng, và biết chắc Đức Chúa Trời ở với ông. Đa-vít cũng rất trung với vua. Dù vua Sau Lơ tìm cất mạng sống ông, nhưng Đa-vít một lòng tôn kính người được Chúa xức dầu. Đa-vít cũng phạm tội, nhưng biết hạ mình, ăn năn và vâng phục Chúa của ông. • ĐA NIÊN Lòng dũng cảm của Đa-niên thể hiện qua lời cầu xin không ăn thức ăn béo bổ của vua, không bỏ cầu nguyện khi vua ra lệnh không được cầu nguyện, và chấp nhận chịu ném vào hang sư tử. Đa-niên thành công trong việc học và trong chính trị. Ông phục vụ Ba-by-lôn, nhưng khi người Mê-đi Ba Tư chiếm Ba-by-lôn, vua chiến thắng vẫn lưu giữ Đa-niên, và còn thăng chức cho ông. NGƯỜI GƯƠNG MẪU TỐI THƯỢNG Chúng ta cũng phải nhớ đến Người Gương Mẫu Tối thượng của chúng ta. Đó là Chúa Cứu Thế Giê-Su. Ngài vứa là Con Người, vừa là Thần Nhân. Trong thân xác con người Ngài thuộc dòng vua Đa-vít (người quân tử). Ngài hiếu thảo với cha mẹ (vế phần xác), Kinh thánh nói, “Đoạn, Ngài theo về thành Na-xa-rét và chịu lụy cha mẹ.” (Lu-ca 2:51a) Ngài không hề phạm tội. Khi biết mình sắp chết, Chúa truyền cho một môn đệ thân tín tên Giăng chăm sóc bà mẹ vế phần xác của mình. Chúng ta học về chín bông trái của Thánh linh, và mong đạt được chin phẩm hạnh này, nhưng duy chỉ có Chúa Giê-Su, không những Ngài có chin đức tính thuộc linh kể trên, nhưng còn có tất cả những phẩm hạnh khác nữa. Phần kết luận chỉ cho chúng ta chìa khóa để trở thành con người gương mẫu. KẾT LUẬN Khổng giáo nhắm mục đích đào tạo một mẫu người kiểu mẫu, tài đức vẹn toàn. Giáo sư Trần ngọc Thêm nhận xét về Khổng giáo như sau: “Thất bại, bởi trong khỉ các bậc đế vương vốn quen cầm quyền cứ theo lối chuyên chế bằng vũ lực và pháp trị thì Khổng Tử lại khuyên họ nên cầm quyền theo lối nhân trị. Chính vì đi ngược lai xu thế chung như vậy cho nên sinh thời, Khổng Tử hầu như chẳng được ai dùng. Về già, ông đã trên một lần tiên đoán về sự suy tàn của đạo mình: "Ta đã suy lắm rồi, từ lâu không còn mộng thấy Chu Công!" (Luận ngữ); "Thiên hạ không có đạo đã lâu rồi, không ai biết theo ta". Khi sắp mất, nghe đồn có người bắt được con kì lân bị què chân trái, Không Tử nước mắt giàn giụa mà nói: “Đạo của ta đến lúc tàn rồi”. Thực vậy, Chúa Giê-Su dạy, “tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối” (Ma-thi-ơ 26:41). Con người muốn làm lành, nhưng không thể thực hiện điều mình muốn vì thể xác thì yếu đuối. Trở thành người quân tử là điều không thể thực hiện, nhất là trong thời kỳ hiện đại. Một người theo Chúa Giê-Su muốn trở nên giống như Ngài. Điều này cũng không thể thực hiện được. Tuy nhiên, một người biết “tự bỏ mình đi, vác thập tự giá mình” mà theo Chúa; một người biết “làm mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài” thì mới có thể mỗi ngày mỗi giống Chúa hơn. Kinh thánh có chép: “Vì nếu bởi tội phạm của một người mà qua người đó sự chết thống trị thì cũng bởi một Người, Chúa Cứu Thế Giê-xu, mà những người nhận được ân sủng và tặng phẩm công chính cách dư dật, sẽ thống trị trong đời sống bội phần hơn là dường nào?” (Rô-ma 5:17) Huỳnh ngọc Ẩn 28 tháng Giêng, 2014

No comments:

Post a Comment