Wednesday, December 27, 2023

MƯỜI HAI MÔN ĐỆ CỦA CHÚA GIÊ-XU 1. SI-MÔN PHI-E-RƠ Trong khi đi dọc bờ biển Ga-li-lê, Chúa Giê-xu thấy Si-môn và Anh-rê, em của ông ấy đang đánh cá. Ngài nói với họ, “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm các ngươi thành những tay đánh lưới người.” Họ liền bỏ lưới và theo Ngài. (Ma-thi-ơ 4: 18-20) Si-môn hoặc Si-mê-ôn có nghĩa là 'nghe.' Đức Chúa Trời nghe, thấy và đáp ứng những nhu cầu của con người. Đức Chúa Trời biết chúng ta cần gì trước khi chúng ta cầu xin (Ma-thi-ơ 6: 8b). Chúa Giê-xu nhắc nhở chúng ta hãy lắng nghe nếu ai có tai để nghe (Ma-thi-ơ 11:15; 13: 9). Các môn đồ chân chính của Chúa Giê-xu nghe tiếng Ngài (Giăng 10:27). Tốt nhất chúng ta nên “mau nghe và chậm nói” (Gia-cơ 1: 19). Điểm yếu của Si-môn là mau nói. Sau khi tuyên bố rằng Chúa Giê-xu là Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời hằng sống (Ma-thi-ơ 16:16), ông đã cố gắng ngăn chặn kế hoạch cứu rỗi của thầy mình (16:22). Nghe lời Chúa không phải là nghe một bản nhạc rồi quên, mà là lắng nghe, suy ngẫm và thực hành. Chúa Giê-xu đã dành nhiều thời gian để cầu nguyện. Chúa Cha đã nhậm lời Con Yêu Dấu của Ngài, và Chúa Con cũng biết nghe lời Chúa Cha. Đức Chúa Trời nghe chúng ta khi chúng ta cầu xin, và Ngài cũng muốn lắng nghe chúng ta trình bày với Ngài những nhu cầu của chúng ta. Nếu chúng ta thực sự tin Chúa chúng ta là chiên của Ngài, và chúng ta nghe tiếng Ngài. Nghe tiếng Chúa rất quan trọng. Trong sách Khải huyền năm lần Chúa Giê-xu phán: “Ai có tai hãy nghe những gì Ðức Thánh Linh phán với các hội thánh” (2: 7, 11, 17, 29; 3:6) Chúng ta nên “mau nghe, chậm nói.” 2. Anh-rê Hi văn Andreas có nghĩa là “mạnh mẽ, nam tính". Môi-se thành công trong công tác đem dân Chúa ra khỏi Ai-cập, và, dù gặp nhiều thử thách ông cũng thành công trong việc đem dân Chúa đến biên giới đất hứa. Tuy nhiên, vì không làm đúng theo lời Chúa phán. Thay vì truyền lịnh cho vầng đá tuôn nước ra, ông lại dùng cây gậy đập vào vầng đá hai lần. Do đó, Chúa không cho ông vào đất hứa. Môi-se giao trách nhiệm cho Giô-suê, ông nói với người kế nhiệm trước mặt toàn thể I-sơ-ra-ên, “Hãy mạnh mẽ và can đảm, vì con là người sẽ đi với dân nầy vào xứ mà Chúa đã thề với tổ tiên họ để ban cho họ, và con sẽ lãnh đạo họ để họ chiếm lấy xứ ấy. Chính Chúa sẽ đi trước con. Ngài sẽ ở với con. Ngài sẽ không để con thất vọng và không bỏ con. Chớ sợ hãi và chớ ngã lòng.” (Phục truyền 31: 7-8) An-rê mạnh dạn giới thiệu Đấng Mê-si-a với anh của mình là Si-môn: “Chúng tôi đã gặp Ðấng Mê-si-a” ( nghĩa là Ðấng Christ). Rồi ông dẫn anh ông đến Ðức Chúa Jesus.” (Giăng 1: 41-42) Sau khi Môi-se qua đời Đức Chúa Trời giao cho Giô-suê trách nhiệm dẫn dắt dân Chúa tiến vào đất hứa. Chúa Hằng Hữu vận động Giô-suê: “Hãy mạnh mẽ và hãy can đảm! Vì ngươi sẽ đem dân nầy vào chiếm lấy xứ Ta đã thề với tổ tiên chúng để ban cho chúng. Duy ngươi phải mạnh mẽ và phải rất can đảm mới được... Ta há đã chẳng truyền lịnh cho ngươi sao? Hãy mạnh mẽ và hãy can đảm! Chớ sợ hãi và chớ mất tinh thần, vì Chúa, Ðức Chúa Trời của ngươi, sẽ ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi.” (Giô-suê 1: 6-7, 9) Sau khi mười thám tử báo cáo tiêu cực về tình hình của đất hứa, Giô-suê nói: “Nếu chúng ta được đẹp lòng Chúa, Ngài sẽ đem chúng ta vào xứ đó và sẽ ban nó cho chúng ta. Xứ đó đúng là một xứ đượm sữa và mật. Chỉ mong chúng ta đừng nổi loạn chống lại Chúa. Ðừng sợ dân trong xứ đó, vì chúng ta có thể ăn nuốt họ dễ dàng. Quyền lực bảo hộ họ đã bị rút đi rồi. Có Chúa đang ở với chúng ta. Ðừng sợ họ.” (Dân số 14: 8-9) Kinh Thánh dạy “chúng ta phải mạnh mẽ trong Chúa và trong sức toàn năng của Ngài” bởi vì “không phải chúng ta chiến đấu với loài có thịt và máu, nhưng với những quyền lực vô hình, những quyền lực thống trị, những quyền lực tối tăm trong vũ trụ này, và những quyền lực của các tà linh trên trời.” Trong chiến trường tâm linh chúng ta không thể cậy sức riêng để tranh đấu. 3. Gia-cơ Xê-bê-đê Gia-cơ đồng nghĩa với Gia-cốp, có nghĩa là người thay thế. Gia cốp lúc nào cũng ham muốn được chúc phước. Khi ở nhà thì dành phước của anh (Sáng thế 27), ở ngoài thì tranh chiến để được Chúa ban phước (Sáng thế 32: 26). Gia cơ Xê-bê-đê thì xin Chúa cho ông và Giăng, một người ngồi bên phải và một người bên trái của Chúa Giê-xu khi Ngài được vinh hiển (Mác 10:37). Chúng ta không cần tranh chiến để được thưởng. Chúa Giê-xu hứa: “Quả thật, Ta nói với các ngươi, lúc mọi sự được đổi mới, khi Con Người ngự trên ngai vinh hiển của mình, thì các ngươi, những người đã theo Ta, cũng sẽ ngồi trên mười hai ngai đoán xét mười hai chi tộc I-sơ-ra-ên.” (Ma-thi-ơ 19:28). Còn vinh dự nào cao quí hơn vinh dự Chúa dành cho người theo Ngài. 4. Giăng Giăng hay là Giô-ha-nan trong tiếng Hi bá có nghĩa là “Gia-vê nhân từ.” Đức Chúa Trời mạc khải Ngài cho Môi-se trong trụ mây: “Chúa! Chúa! Ðức Chúa Trời thương xót và đầy ơn, Chậm giận, chan chứa tình thương, và chân thật, Thương ai thương đến ngàn đời, Tha thứ tội ác, vi phạm, và tội lỗi, Nhưng không kể kẻ có tội là vô tội; Do tội của ông bà cha mẹ mà con cháu bị vạ lây đến ba bốn đời.” (Xuất Ê-díp-tô 34: 6-7) Đức Chúa Trời cũng mạc khải Ngài cho Đa-vít: “Chúa hay thương xót và khoan dung độ lượng, Chậm nóng giận và đầy dẫy tình thương.” (Thi thiên 103: 8) Đức Chúa Trời hay thương xót và khoan dung độ lượng nghĩa là Ngài không đối xử với chúng ta tương ứng với điều chúng ta đáng được: “Ðức Chúa Trời đã biểu lộ tình yêu của Ngài đối với chúng ta, trong khi chúng ta còn là người có tội, Ðấng Christ đã chết thay cho chúng ta. (Rô-ma 5:8) Kinh Thánh dạy: “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết,” (Rô-ma 6:23) nhưng ân huệ của Đức Chúa Trời là “sự sống đời đời trong Ðức Chúa Jesus Christ, Chúa chúng ta.” 5. Phi-líp Chúa Giê-xu đến Ga-li-lê, Ngài tìm Phi-líp và nói với ông: “Hãy theo Ta.” Phi-líp tìm Na-tha-na-ên và nói với ông, “Chúng tôi đã gặp Ðấng mà Môi-se đã viết trong Luật Pháp, và Các Tiên Tri cũng đã viết về Ngài, Ðức Chúa Jesus ở Na-xa-rét, con của Giô-sép.” Na-tha-na-ên nói với ông, “Có gì tốt ra từ Na-xa-rét sao?” (Giăng 1: 43-46) Phi-líp đáp, “Mời bạn đến xem.” Cách Phi-líp làm chứng thật đơn giản, Ông chỉ nói rằng ông đã gặp Đấng mà Môi-se và các Tiên tri đã viết về Ngài, và mời Na-tha-na-ên đến gặp Đấng ấy. Sau khi cho Na-tha-na-ên biết là Ngài biết ông trong khi ông chưa biết Ngài, ông nói với Ngài, “Thưa Thầy, Thầy là Con Ðức Chúa Trời, Thầy là Vua của I-sơ-ra-ên.” (Giăng 1: 49) Trong một buổi truyền giảng cho khoảng năm ngàn người Chúa hỏi Phi-líp: “Chúng ta phải mua bánh ở đâu cho những người này ăn?” Phi-líp trả lời Ngài, “Thưa dùng hai trăm đơ-na-ri mua bánh cũng không đủ cho mỗi người một ít.” (Giăng 6: 5,7) Đối với loài người thì Phii-líp nói đúng. Tuy nhiên Con Người có thể đãi năm ngàn người với năm cái bánh và hai con cá. Sau khi Chúa Giê-xu thăng thiên, trong hội thánh đầu tiên Phi-líp được chọn làm một trong số bảy chấp sự. Bảy chấp sự này là những người “có tiếng tốt, đầy dẫy Ðức Thánh Linh, và khôn ngoan” (Công vụ 6: 3). Trong lúc ấy một cơn bách hại dữ dội nổi lên chống lại hội thánh tại Giê-ru-sa-lem. Ngoại trừ các sứ đồ, tất cả tín hữu đều bị tản lạc khắp miền Giu-đê và Sa-ma-ri. (Công vụ 8: 1) “Vậy những người đã bị tản mác ra đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng của Ðạo Chúa. Bấy giờ Phi-líp đi xuống Thành Sa-ma-ri và giảng về Ðấng Christ cho họ. Ðoàn dân đông đồng lòng chăm chú lắng nghe Phi-líp giảng, vì họ đã nghe và thấy các phép lạ ông làm. Khi họ nghe Phi-líp giảng về Tin Mừng của vương quốc Ðức Chúa Trời và danh Ðức Chúa Jesus Christ, họ tin và chịu báp-têm, cả nam lẫn nữ. Ngay cả Si-môn cũng tin. Sau khi chịu báp-têm ông cứ theo luôn bên cạnh Phi-líp, và cứ kinh ngạc mỗi khi thấy các dấu kỳ và phép lạ lớn lao xảy ra. ” (8: 4-6; 12-13) Sau đó thiên sứ của Chúa truyền cho Phi-líp đi xuống phía nam, trên đường xuống Ga-xa. Lúc bấy giờ có một thái giám của nữ hoàng Can-đác nước Ê-thi-ô-pi từ Giê-ru-sa-lem về nước. Ông đang đọc sách Ê-sai, đoạn 53. Thánh Linh truyền cho Phi-líp đến gần, ông hỏi, “Ngài có hiểu những gì ngài đọc đó không?” Ông ấy đáp, “Làm sao tôi hiểu được, nếu không ai giảng giải cho tôi.” Rồi ông ấy mời Phi-líp lên xe ngồi với ông.” (Công vụ 8: 30-31). Phi-líp giải thích Kinh Thánh cho vị thái giám. Ông tin nhận Chúa và yêu cầu nhận phép báp tem bằng nước. Phi-líp đáp ứng lời kêu gọi của Chúa Giê-xu, đem Na-tha-na-ên đến Ngài, hầu việc Chúa với hội thánh, giảng đạo và nhiều người tin nhận Chúa Giê-xu. Phi-líp là một tấm gương cho Cơ Đốc nhân. Kinh Thánh Tân Ước dạy: “Ðức tin cũng vậy, nếu nó không có các hành động thì chỉ là đức tin chết.” (Gia-cơ 2:17) 6. Na-tha-na-ên Na-tha-na-ên có nghĩa là ‘quà tặng của Đức Chúa Trời.” Gióp là một đại gia ở U-xơ, ông là một người thành công. Sa-tan đặt đấu hỏi về đức tin của Gióp. Đức Chúa Trời cho phép Sa-tan thử thách Gióp. Sa-tan được Chúa cho phép lấy hết cúa cải, con cái và sức khỏe của Gióp. Ông nhận biết tất cả mọi thứ của ông là của Chúa, ông nói: “Tôi trần truồng ra khỏi lòng mẹ; Tôi sẽ trần truồng mà trở về. Chúa ban cho, rồi Chúa lại cất đi. Chúc tụng danh Chúa.” (Gióp 1: 21). Nhiều người không dâng một phần mười bởi vì họ tin là những gì họ có là do công của họ lạo ra. Thật ra chúng ta là những quản gia của Chúa. Năm mươi năm trước gia đình tôi đến Mỹ với hai bàn tay trắng, hôm nay Chúa cho đủ ăn, đủ mặc, và một ngày kia sẽ tay trắng mà trở về với Chúa. Được về với Chúa cũng là một tặng phẩm của Chúa, “tặng phẩm của Ðức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Ðức Chúa Jesus Christ, Chúa chúng ta.” Đức Thánh Linh ban cho tín hữu lời nói khôn ngoan, lời nói tri thức, đức tin, chữa bệnh, làm phép lạ, nói tiên tri, phân biệt các thần, nói tiếng mới, thông giải tiếng lạ. (1 Cô-rinh-tô 12: 8-10) Chúa Giê-xu ban cho “một số người làm sứ đồ, một số làm tiên tri, một số làm nhà truyền giảng Tin Mừng, một số làm mục sư và giáo sư để trang bị các thánh đồ cho những công tác phục vụ, nhằm xây dựng thân thể của Ðấng Christ.” (Ê-phê-sô 4: 11-12). Là Vua bình an, Chúa Giê-xu ban bình an cho chúng ta. Ngài cũng ban cho chúng ta Điều răn mới. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta Con Một của Ngài, hầu cho ai tin Con ấy không bị hư mất, nhưng được sự sống đời đời. 7. Thô-ma Sách Tin lành Giăng có nhiều thông tin về Thô-ma. Có một người Chúa Giê-xu mến thương tên La-xa-rơ ở Bê-ta-ni xứ Giu-đa bị bệnh. Hai em của ông báo tin cho Chúa. Hai ngày sau Chúa đến Giu-đa. Các môn đồ hỏi Ngài: “Thưa Thầy, người Do-thái mới tìm cách ném đá Thầy ở đó, mà bây giờ Thầy muốn trở lại đó sao?” Chúa bảo rằng Ngài phải đến để đánh thức La-xa-rơ vì ông đang ngủ. Thô-ma nói: “Chúng ta hãy đến đó để chết chung với Thầy.” Thô-ma nhớ lời Thầy: “Vì ai muốn cứu mạng sống mình sẽ mất, nhưng ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình sẽ cứu được nó.” (Lu-ca 9:24) Mặc dù là một môn đồ tận tụy, Thô-ma vẫn có những nghi ngờ của mình, như được thấy trong Giăng 20:25, khi Chúa Giê-xu hiện ra với các môn đệ sau khi Ngài sống lại. Thô-ma từ chối tin rằng Chúa Giê-xu đã sống lại, vì chính ông đã không nhìn thấy Ngài. Đáp lại, Chúa Giê-xu bảo Thô-ma chạm vào vết thương của ông để ông có thể chắc chắn rằng ông là có thật, và Thô-ma trả lời bằng cách nói, "Lạy Chúa của con và Ðức Chúa Trời của con!" (Giăng 20:28). Sau đó, đức tin của Thô-ma không thể lay chuyển và ông đã sử dụng đức tin mới tìm thấy này để truyền bá phúc âm trên khắp thế giới. Thông qua các cuộc hành trình của Thô-ma, ông đã được tiếp xúc với các nền văn hóa mới và có thể truyền bá phúc âm của Chúa Giê-xu cho người dân Ấn Độ. Trong các chuyến đi của mình, ông đã gặp phải sự chống đối mạnh mẽ, thường dưới hình thức bách hại và cái chết. Mặc dù vậy, Thô-ma vẫn không ngừng trong đức tin của mình và sử dụng lòng nhiệt thành của mình đối với Chúa Giê-xu để cuối cùng chuyển đổi hàng ngàn người sang Cơ đốc giáo. Kết quả của sự tận tâm và truyền giáo của mình, Thô-ma hiện được biết đến như là vị thánh bảo trợ của Ấn Độ và thường được miêu tả là mang theo quảng trường của một người thợ mộc như một lời nhắc nhở về sự khởi đầu khiêm tốn của mình. Cho đến ngày nay, Thô-ma vẫn là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong Cơ Đốc giáo và đã để lại một di sản lâu dài trong trái tim và tâm trí của vô số Cơ Đốc nhân trên khắp thế giới. Chính vì lòng trung thành không nao núng của mình với Chúa Giê-xu và sự cam kết với phúc âm mà Thô-ma đã có thể đưa Cơ đốc giáo lên một tầm cao mới và truyền bá tin mừng của phúc âm đến các quốc gia trên khắp thế giới. Câu chuyện của ông như một lời nhắc nhở khích lệ cho tất cả mọi người rằng đức tin và sự tận tâm có thể dời núi. ( Thông tin của Trang mạng https://www.theholyscript.com/who-was-thomas-in-the-bible/ 8. Ma-thi-ơ מַתִּתְיָהוּ‎ (Matityahu) tiếng Hi bá lai có nghĩa là “quà tặng của Đức Chúa Trời.” Sách tin lành Ma-thi-ơ cho biết Chúa Giê-xu kêu gọi ông “Hãy theo Ta.” Ông đứng dậy và đi theo Ngài. Có lẽ Ma-thi-ơ cảm nhận được là Chúa Giê-xu sẽ ban cho ông gấp trăm lần nhiều hơn tiền thuế ông thu vào. Trong sách tin lành mang tên ông Ma-thi-ơ nhắc lại lời Thầy dạy: “Hễ ai vì danh Ta lìa bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, ruộng vườn, người ấy sẽ nhận được gấp trăm lần hơn, và sẽ hưởng sự sống đời đời. Người ta biết rất ít về vị sứ đồ này. Ngoài một số ít đề cập trong các sách phúc âm, ông là một nhân vật Tân Ước mơ hồ đáng ngạc nhiên. Và mặc dù thực tế là nhà thờ từ lâu đã coi ông là tác giả của sách tin lành Ma-thi-ơ, rất ít điều khác được ghi lại về ông. Trong khi Ma-thi-ơ được tôn vinh là một vị thánh tử đạo, không ai biết chắc chắn ông đã chết ở đâu và như thế nào. Nhiều nguồn tin khác nhau nói rằng ông đã bị chặt đầu, ném đá, đốt cháy hoặc đâm - một người thậm chí còn cho rằng ông chết vì những nguyên nhân tự nhiên như Giăng. Có những truyền thuyết về chức vụ của ông, nhưng không có ghi chép đáng kể nào về vai trò của ông trong hội thánh đầu tiên. Các văn bản ngụy biện sau đó xuất hiện tuyên bố là do ông viết, và một số giáo phụ đầu tiên ủng hộ các văn bản này, nhưng các tác phẩm chỉ tồn tại trong các mảnh vỡ và trích dẫn, và học thuật hiện đại bị chia rẽ về quyền tác giả của chúng. (Thông tin của Trang mạng https://overviewbible.com/matthew-the-apostle) 9. Gia-cơ Anh-phê Gia-cơ, con trai của Anh-phê thường được đồng nhất với Gia-cơ trẻ, người chỉ được đề cập bốn lần trong Kinh thánh, mỗi lần liên quan đến mẹ mình. (Mác 15:40) đề cập đến "Ma-ri, mẹ của Gia-cơ trẻ hơn và của Giô-sép", trong khi (Mác 16:1) và (Ma-thi-ơ 27:56) đề cập đến "Ma-ri, mẹ của Gia-cơ". Vì đã có một Gia-cơ khác (Gia-cơ, con trai của Xê-bê-đê) trong số mười hai sứ đồ, nên việc đánh đồng Gia-cơ con trai của Anh-phê với "Gia-cơ trẻ" là hợp lý. (Gia-cơ con trai của Xê-bê-đê đôi khi được gọi là "Gia-cơ lớn"). Jerome xác định Gia-cơ, con trai của Anh-phê với Gia-cơ trẻ viết trong tác phẩm của ông có tên Sự Trinh Trắng của Bà Ma-ri Người Được Ơn (The Perpetual Virginity of Blessed Mary) như sau: Bạn có ý định rằng Gia-cơ trẻ tương đối vô danh, người được gọi trong Kinh thánh là con trai của Ma-ri, tuy nhiên không phải của Ma-ri mẹ của Chúa chúng ta, trở thành một sứ đồ, hay không? Nếu ông ta là một sứ đồ, ông ta phải là con trai của Anh-phê và là một người tin vào Chúa Giê-xu. Kết luận duy nhất là Đức Ma-ri được mô tả là mẹ của Gia-cơ trẻ là vợ của Anh-phê và em gái của Ma-ri mẹ của Chúa. Papias của Hierapolis, sống vào khoảng năm 70-163 sau Công nguyên, trong những mảnh còn sót lại của tác phẩm Bình Luận Về Những Lời Dạy của Chúa (Exposition of the Sayings of the Lord) kể rằng Ma-ri, vợ của Anh-phê là mẹ của Gia-cơ trẻ: Ma-ri, mẹ của Gia-cơ trẻ và Giô-sép, vợ của Anh-phê là em gái của Ma-ri, mẹ của Chúa, người mà Giăng đặt tên là Cơ-lê-ô-pa, từ cha cô hoặc từ gia đình của gia tộc, hoặc vì một số lý do khác. Do đó, Gia-cơ, con trai của Anh-phê sẽ giống như Gia-cơ trẻ. 10. Tha-đê hay là Giu-đa con của Gia-cơ Tha-đê là một trong mười hai môn đồ ban đầu được Chúa Giê-xu chọn. Tha-đê là một sứ đồ bí ẩn. Thứ nhất, Tha-đê hầu như không được đề cập trong Kinh Thánh. Để làm phức tạp vấn đề, Kinh Thánh đề cập đến Tha-đê bằng một vài tên khác nhau. Jerome, một học giả Kinh Thánh thế kỷ thứ tư, đã gọi Tha-đê là "Ba ngôi", có nghĩa là "người đàn ông có ba tên". Trong cả hai sách Phúc âm Ma-thi-ơ và Mác, sứ đồ được liệt kê là Tha-đê (Ma-thi-ơ 10:3; Mác 3:18). Trong phiên bản King James của Ma-thi-ơ 10: 3, ông được gọi là "Lebbaeus, có họ là Thaddaeus." Tuy nhiên, Lu-ca thay thế tên Tha-đê bằng "Giu-đa con trai của Gia-cơ" trong cả Lu-ca 6:16 và Công vụ 1:13. Và khi sứ đồ Giăng đề cập đến Tha-đê, ông gọi ông là "Giu-đa (không phải Iscariot)" (Giăng 14:22). Những lời duy nhất được ghi lại của Tha-đê là trong Giăng 14. Chúa Giê-xu và mười hai môn đệ đã nhóm lại với nhau trong Phòng cao cho Bữa Tiệc Ly. Chúa phán với họ về cái chết sắp xảy ra của Ngài. Các sứ đồ có những câu hỏi và mối quan tâm. Chúa Giê-xu hứa ban cho họ Chúa Thánh Linh để giúp đỡ họ và ngự trong họ. Rồi Ngài phán: " Không bao lâu nữa thế gian sẽ không thấy Ta, nhưng các ngươi sẽ thấy Ta; vì Ta sống, thì các ngươi cũng sẽ sống. Trong ngày đó các ngươi sẽ biết rằng Ta ở trong Cha Ta, các ngươi ở trong Ta, và Ta ở trong các ngươi. Ai có những điều răn của Ta và vâng giữ, ấy là người yêu kính Ta; người nào yêu kính Ta sẽ được Cha Ta yêu thương, và Ta sẽ yêu thương người ấy và bày tỏ chính Ta cho người ấy." (Giăng 14:19–21). Bối rối, Tha-đê hỏi Chúa Giê-xu, "Lạy Chúa, tại sao Chúa chỉ tỏ mình ra cho chúng con mà không bày tỏ cho thế giới rộng lớn?" (Giăng 14:22, NLT). Câu hỏi của Tha-đê tiết lộ một vài điều về người đàn ông này. Thứ nhất, ông cảm thấy đủ thoải mái trong mối quan hệ của mình với Chúa Giê-xu để ngắt lời Ngài bằng một câu hỏi. Thứ hai, Tha-đê muốn biết tại sao Chúa Giê-xu lại đối xử với các môn đệ khác với thế gian. Và thứ ba, giống như hầu hết người Do Thái ở thế kỷ thứ nhất, Tha-đê đang mong đợi một Đấng Mê-si-a sẽ bày tỏ chính Ngài trong quyền năng cho thế giới. Câu trả lời mà Chúa Giê-xu đưa ra cho Tha-đê rất đơn giản: "Ai yêu kính Ta sẽ vâng giữ lời Ta; Cha Ta sẽ yêu thương người ấy; Chúng Ta sẽ đến với người ấy, và Chúng Ta sẽ ở với người ấy. Kẻ nào không yêu kính Ta sẽ không vâng giữ lời Ta. Những lời các ngươi nghe không phải lời Ta, nhưng là của Cha, Ðấng đã sai Ta" (Giăng 14:23–24). Tình yêu thương của chúng ta dành cho Đức Chúa Trời được bày tỏ qua sự vâng theo lời giảng dạy của Ngài. Tình yêu và sự vâng lời không thể tách rời đối với Cơ Đốc nhân. Những ai yêu mến và vâng lời Đức Chúa Trời đều là con cái của Ngài. Những người này nhận được Chúa Thánh Linh, Đấng mặc khải Chúa Cứu Thế cho họ, nhưng Chúa vẫn ẩn mình với thế giới. Không có gì được tiết lộ thêm về Tha-đê trong Kinh thánh. Chúng ta biết Tha-đê, giống như các môn đệ khác, đã rời bỏ cuộc sống trước đây của mình để đi theo và phục vụ Chúa Giê-xu một cách trung tín, chịu đựng khó khăn và bắt bớ. Một số học giả tin rằng Tha-đê đã viết sách Giu-đê, mặc dù quan điểm được chấp nhận rộng rãi hơn là Giu-đê, người em về phần xác của Chúa Giê-xu, đã viết cuốn sách. Văn học ngoài Kinh Thánh nói rằng, sau Lễ Ngũ tuần, Tha-đê đã mang sứ điệp phúc âm về phía bắc, nơi ông thực hiện phép lạ, rao giảng và thành lập một hội thánh ở Edessa, một khu vực ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại. Một truyền thống nói rằng ông đã bị đánh đập hoặc bị trục xuất đến chết vì đức tin của mình, và một truyền thống khác nói rằng ông đã bị đóng đinh. (Thông tin của Trang mạng https://www.gotquestions.org/Thaddeus-in-the-Bible.html) 11. Si-môn Xê-lốt Si-môn Xê-lốt là một trong những sứ đồ ít người biết đến nhất. Ông là một trong những môn đồ chính của Chúa Giê-xu Christ, nhưng ông không đóng vai trò đặc biệt nào trong các phúc âm và chỉ được nhắc đến bằng tên trong danh sách các sứ đồ (Ma-thi-ơ 10:2-4, Mác 3:16-19, Lu-ca 6:14-16, Công vụ 1:1-13). Chúng ta hầu như không biết gì về Si-môn Xê-lốt. Ngay cả biệt danh của ông, "Xê lốt" cũng đủ mơ hồ đến mức chúng ta không thể chắc chắn ý nghĩa của nó - mặc dù có một số khả năng mạnh mẽ. Ông có thể thuộc về một giáo phái Do Thái được gọi là Xê lốt, những người đã quyết tâm cách mạng và tìm kiếm một Đấng Mê-si-a để lật đổ sự cai trị của người La mã một cách tàn bạo. Hoặc ông có thể chỉ đơn giản là sốt sắng đối với Luật Môi-se. Hoặc thậm chí sốt sắng đối với Chúa Giê-xu và những lời dạy của Người. Si-môn thỉnh thoảng được nhắc đến trong các tác phẩm đầu tiên của nhà thờ, nhưng nhiều thế kỷ sau khi các sách Phúc âm được viết, Thánh Jerome và những người khác đã dịch sai danh hiệu của Si-môn, tin rằng Ma-thi-ơ và Mác gọi ông là Si-môn người Ca-na-an. Họ cho rằng ông đến từ Cana - một thị trấn ở Ga-li-lê hoặc có thể là Ca-na-an, một vùng cổ đại ở vùng cận đông thường được đề cập trong Kinh Thánh. Sai lầm này dẫn đến ý tưởng rằng Si-môn đã có mặt tại đám cưới ở Ca-na trong Giăng 2, nơi Chúa Giê-xu thực hiện phép lạ đầu tiên của mình và biến nước thành rượu, và ông là cùng một người với Si-môn, em trai của Chúa Giê-xu về phần xác (Ma-thi-ơ 13:55). (Thông tin của Trang Mạng https://overviewbible.com/simon-the-zealot) Xê lốt thường được hiểu là sốt sắng. Về điểm này ông giống Thầy của ông. Kinh Thánh nói về Chúa Giê-xu: “Lòng nhiệt thành về nhà Chúa sẽ thiêu đốt con.” (Thi 69:9) Câu này được ứng nghiệm khi Chúa Giê-xu dọn sạch đền thờ trong ngày lễ Vượt Qua. (Giăng 2: 13-17) 12. Giu-đa Ích-ca-ri-ốt Tên của Giu-đa là phiên bản Hy Lạp của tiếng Do Thái "Giu-đa" có nghĩa là "Ngợi khen" hoặc "Hãy để Đức Chúa Trời được ngợi khen". Tuy nhiên, nguồn gốc của "Ích-ca-ri-ốt" không rõ ràng như vậy. Người ta cho rằng iskariotes Hy văn xuất phát từ tiếng Do Thái ishq'riyoth, có nghĩa là "người đàn ông của Kerioth", một thành phố ở Pa-lê-tin. Dấu hiệu rắc rối đầu tiên Giu-đa là một trong 12 môn đồ, những người bạn thân nhất của Chúa Giê-xu. Mặc dù một cảnh cụ thể của Chúa Giê-xu kêu gọi Giu-đa không được bao gồm trong các sách Phúc âm, cũng như đối với những người khác như Phi-líp, Na-tha-na-ên và Phi-e-rơ, ông được đưa vào danh sách 12 từ rất sớm (ví dụ Mác 3:19). Mặc dù Giu-đa không được đề cập nhiều trong chức vụ của Chúa Giê-xu như những người khác như Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng, Kinh Thánh ghi lại rằng ông là thủ quỹ cho các môn đồ (Giăng 12:6; Giăng 13:29). Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng tiết lộ rằng Giu-đa đã sử dụng vị trí này cho lợi ích cá nhân của mình. Giăng 12: 6 nói, "anh ta là một tên trộm; Là người giữ túi tiền, anh ấy thường tự giúp mình lấy những gì được bỏ vào đó." Một mẩu tin khác mà Kinh Thánh đưa ra là một cảnh trong đó Giu-đa phản đối hành động của Chúa Giê-xu. Giăng 12 mở đầu bằng một cảnh ăn tối. Ở đó, Kinh Thánh ghi lại rằng người bạn của Chúa Giê-xu là Ma-ri đã lấy một lượng lớn nước hoa đắt tiền, đổ lên chân Chúa Giê-xu và lau chân Ngài bằng tóc như một hành động thờ phượng. Giu-đa phản đối. "Tại sao loại nước hoa này không được bán và lấy tiền cho người nghèo? Nó đáng giá bằng tiền lương của một năm" (Giăng 12:5). Mặc dù ý định của ông có vẻ trong sạch, Giăng 12: 6 nói, "Hắn nói vậy không phải vì hắn lo tưởng gì đến người nghèo, nhưng vì hắn là tay trộm cắp. Hắn giữ túi tiền chung và hay biển thủ tiền trong đó.” Thay vì phơi bày Giu-đa, Chúa Giê-xu đã đáp lại mối quan tâm được cho là, đồng thời đề cập sâu sắc đến cái chết sắp xảy ra của chính Ngài, tất nhiên, sẽ được thực hiện một phần bởi Giu-đa. “Hãy để mặc nàng, vì nàng đã để dành dầu này cho ngày chôn xác Ta. Các ngươi có người nghèo với mình luôn, nhưng các ngươi không có Ta luôn.” (Giăng 12:7-8). Giu-đa phản bội Chúa Giêsu Đây dường như là một điểm bùng phát đối với Giu-đa. Trong suốt các sách Phúc âm, Chúa Giê-xu liên tục tiên đoán rằng Ngài sẽ bị phản bội (ví dụ Giăng 6: 70-71). Tuy nhiên, sự phản bội này đã lên đến đỉnh điểm vào đêm Bữa Tiệc Ly, bữa ăn cuối cùng của Chúa Giê-xu với các môn đệ của Ngài trước khi Ngài bị bắt đi và bị đóng đinh. “Bấy giờ một trong mười hai sứ đồ tên là Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đến gặp các trưởng tế, và nói, “Các ông sẽ trả cho tôi bao nhiêu tiền nếu tôi nộp Người ấy cho các ông?” Họ thỏa thuận trả cho hắn ba mươi miếng bạc. Từ lúc ấy hắn bắt đầu tìm dịp để phản nộp Ngài. (Ma-thi-ơ 26:14-16) Trong cảnh này, Giăng 13: 2 ghi lại rằng ma quỷ đã khiến Giu-đa phản bội Chúa Giê-xu. Kinh Thánh không nói tại sao Giu-đa đã làm những gì ông đã làm. Thói quen của ông ta với túi tiền có thể gợi ý sự tham lam, nhưng cũng hoàn toàn có khả năng ông ta gặp rắc rối bởi sự khăng khăng của Chúa Giê-xu rằng Ngài sẽ chết. Nhiều người đang tìm kiếm một nhà lãnh đạo chính trị mạnh mẽ trong một Đấng Mê-si-a, và Chúa Giê-xu không phải là điều họ mong đợi. Kinh Thánh cũng nói rõ ràng rằng Sa-tan có liên quan đến hành động của Giu-đa, nhưng không đến mức độ nào. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-xu nói với các môn đồ rằng Ngài sẽ bị phản bội. Khi được hỏi bởi ai, Ngài trả lời: "Ấy là người Ta chấm miếng bánh này và đưa cho.” Rồi Ngài chấm một miếng bánh và đưa cho Giu-đa Ích-ca-ri-ốt con Si-môn. Sau khi hắn nhận miếng bánh, Sa-tan nhập vào hắn. Ðức Chúa Jesus nói với hắn, “Việc ngươi tính làm, hãy làm mau đi." (Giăng 13: 26-27) Giu-đa rời đi ngay lập tức. Tiếp theo ông ta được nhìn thấy bước vào khu vườn vào tối hôm đó, nơi Chúa Giê-xu đang cầu nguyện. Biết nơi này, Giu-đa dẫn một đội binh lính và quan chức đến với Chúa Giê-xu. Giu-đa nói với những họ, “Hễ người nào tôi ôm hôn, các ông hãy bắt ngay người ấy.” (Ma-thi-ơ 26:48). Sau đó, ông tiến đến gần Chúa Giê-xu và hôn Ngài trong lời chào. Sau đó, Chúa Giê-xu bị bắt. Ma-thi-ơ 27 ghi lại sự sụp đổ của Giu-đa. Khi Giu-đa thấy Chúa Giê-xu bị kết án, ông hối hận (Ma-thi-ơ 27:3) và trả lại 30 đồng xu cho các thầy tế lễ trưởng và trưởng lão. Khi họ phớt lờ anh ta, anh ta ném tiền vào đền thờ, và bỏ đi và treo cổ tự tử. Chúng ta có thể học được gì từ Giu-đa Câu chuyện cuộc đời của Giu-đa là một câu chuyện bi thảm, nhưng nó chỉ về Đức Chúa Trời theo những cách mạnh mẽ. Nhiều lời tiên tri hàng trăm năm trước khi Giu-đa ra đời đã tiên đoán sự phản bội của ông. Xa-cha-ri tiên đoán Chúa Giê-xu sẽ bị phản bội vì 30 đồng bạc (Xa-cha-ri 11:12-14). Thi thiên 41:9 tiên đoán rằng kẻ phản bội Chúa Giê-xu sẽ chia sẻ bánh của Ngài, mà Chúa Giê-xu đã trực tiếp đề cập đến trong Giăng 13:18 và hành động trong Giăng 13:26-28. Do đó, Đức Chúa Trời đã biết về bước ngoặt "thảm khốc" này của các sự kiện từ lâu trước khi nó xảy ra. Thiên Chúa đã không bị che mắt bởi sự phản bội này. Trên thực tế, đó là một phần trong kế hoạch của Ngài. Để cứu thế giới khỏi tội lỗi, Kinh Thánh tuyên bố, Chúa Giê-xu phải chết. Do đó, Đức Chúa Trời đã sử dụng sự phản bội của Giu-đa để giúp mang lại sự cứu rỗi cho dân sự Ngài. Sa-tan có thể nghĩ rằng nó đang cản trở kế hoạch của Đức Chúa Trời qua Giu-đa, nhưng kết quả cho thấy điều đó là không thể như thế nào. Giu-đa nhắc nhở chúng ta rằng Đức Chúa Trời luôn luôn kiểm soát. Chính tên của Giu-đa, "Hãy để Đức Chúa Trời được ngợi khen", là một lời nhắc nhở rằng ngay cả những tình huống tồi tệ nhất cũng có thể được Đức Chúa Trời sử dụng theo những cách mạnh mẽ. (Thông tin của Trang Mạng https://www.christianity.com/wiki/people/who-was-judas-iscariot.html) KẾT LUẬN Chúa Giê-xu chọn mười hai môn đệ, mỗi người có cá tính khác nhau. Họ không đủ tiêu chuẩn để kế nghiệp Ngài nhưng Ngài ban tiêu chuẩn cho họ. Chúa huấn luyện họ trong ba năm và họ thành công, ngoại trừ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt bởi vì ông chọn theo ý riêng của ông. Tất cả chúng ta đều có tính xác thịt, nhưng Ngài chọn chúng ta “Không phải các ngươi đã chọn Ta, nhưng Ta đã chọn các ngươi và bổ nhiệm các ngươi để các ngươi ra đi và kết quả, và thành quả của các ngươi sẽ còn lại, và để khi các ngươi nhân danh Ta cầu xin Cha điều chi, Ngài sẽ ban điều ấy cho các ngươi.” (Giăng 15:16) Chúa chọn chúng ta, và cho phép chúng ta để Chúa dùng chúng ta hay không. Huỳnh Ngọc Ẩn
RU-TƠ Đức Chúa Trời sử dụng nhiều người để hoàn thành chương trình cứu chuộc của Ngài, trong đó có Áp-ram và Ru-tơ. Trong bài viết ngắn này tôi nhắc đến Ru-tơ. Trong thời các thẩm phán trị vì, có một cơn đói kém trong xứ; Ê-li-mê-léc ở Bết-lê-hem, xứ Giu-đa, đưa vợ và hai con trai mình qua nước Mô-áp sinh sống” (Ru-tơ 1:1). Bết-lê-hem nghĩa là ‘nhà bánh.’ Bởi vì nhà bánh không có bánh, cho nên gia đình Ê-li-mê-léc di dời qua Mô-áp. Không biết Ê-li-mê-léc có biết luật Môi-se không cho dân Mô-áp cũng như Am-môn gia nhập hội chúng dân Chúa không. Có lẽ vì quá tuyệt vọng nên A-bi-mê-léc không tin vào luật pháp. “Hai người con này lấy phụ nữ Mô-áp làm vợ. Một cô tên là Ọt-ba và một cô tên là Ru-tơ. Họ sống tại đó khoảng mười năm. Kế đó, cả Mạc-lôn và Ki-li-ôn đều qua đời, để Na-ô-mi lại không chồng không con. Bấy giờ Na-ô-mi và hai con dâu mình chỗi dậy, rời nước Mô-áp để hồi hương, vì lúc ở Mô-áp bà có nghe rằng CHÚA đã đoái thăm dân Ngài và ban cho họ thực phẩm” (1:4-6). Nhà bánh lại có bánh. Na-ô-mi khuyên hai nàng dâu trở về với gia đình của họ, nhưng hai người muốn đi theo bà. Sau khi Ru-tơ thuyết phục họ, “Ọt-ba ôm hôn và từ giã mẹ chồng mình, nhưng Ru-tơ cứ bám lấy bà” (Câu 14). Ru-tơ nhất định đi theo mẹ chồng, nàng nói: “Xin mẹ đừng ép con rời xa mẹ, hay bắt con phải trở về mà không theo mẹ. Vì mẹ đi đâu, con sẽ theo đó. Mẹ ở nơi nào, con cũng sẽ ở nơi đó. Dân tộc của mẹ là dân tộc của con, Đức Chúa Trời của mẹ là Đức Chúa Trời của con. Mẹ chết nơi nào, con cũng muốn chết và được chôn nơi đó. Ngoài sự chết, ví bằng có điều chi phân cách con với mẹ, nguyện xin CHÚA giáng họa trên con” (Câu 16-17). Có lẽ Ru-tơ nhìn thấy Na-ô-mi có đặc điểm gì, hoặc bà tin Chúa của mẹ chồng, cho nên bà nhất quyết đi theo Na-ô-mi với bất kỳ giá nào. Phao-lô nói: “Hãy bắt chước tôi, như chính tôi bắt chước Chúa Cứu Thế” (1 Cô-rinh-tô 11:1). Có người nào tin chúng ta, theo chúng ta bởi vì chúng ta theo Chúa Giê-xu không? Ru-tơ là phụ nữ Mô-áp, không được nhập vào hội dân Chúa, nhờ lòng tin mà trở thành bà cố của vua Đa-vít, tên bà được ghi vào gia phả của Chúa Giê-xu. GIA ĐÌNH BÔ-Ô Từ gô-ên ( גואל) trong tiếng Hê-bơ-rơ nghĩa là ‘người có quyền chuộc, có trách nhiệm phục hồi quyền của người bà con.’ Trong sách Ru-tơ, tám lần Bô-ô được biết dưới tên ‘gô-ên,’ người có quyền chuộc lại sản nghiệp (Ru-tơ 2: 20; 3:9, 12; 4:1, 3, 6, 8, và 14). Bô-ô là người cứu chuộc thuộc thể, ông chuộc lại sản nghiệp của Ê-li-mê-léc. Chúa Giê--xu chuộc lại những gì A-đam bị Sa-tan chiếm đoạt. Ru-tơ, từ Hê-bơ-rơ ( רות) có nghĩa là ‘bạn, bạn đồng hành.’ Ru-tơ được Chúa đưa về quê chồng để làm người bạn đường của Bô-ô. Chúa ban cho bà, một phụ nữ bị gạt sang một bên, vinh dự làm tổ mẫu của vua Đa-vít. Ô-bết, nghĩa là ‘người thờ phượng, người tôi tớ.’ Ru-tơ theo mẹ chồng để trở thành người bạn đồng hành của Bô-ô, một công cụ trong chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời. Giê-se, nghĩa là ‘sự ban cho của Đức Chúa Trời.’ Chúa ban Ru-tơ cho Bô-ô. Ê-li-mê-léc di dời sang Mô-áp là điều không tốt, nhưng Chúa dùng việc này cho chương trình cứu chuộc của Ngài. Đa-vít nghĩa là ‘dấu yêu.’ Đa-vít là ‘người theo Chúa hết lòng.’ Chúa Giê-xu được biết dưới tên ‘Con vua Đa-vít.’ Đức Chúa Trời nói về Chúa Giê-xu: “Đây là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta hoàn toàn.” Đức tin của bà Ru-tơ đã biến bà từ người bị từ bỏ thành người danh dự.