Sunday, April 29, 2012


Cơ đốc nhân có thể bị mất sự cứu rỗi không?

Tôi đọc được đề tài này trên trang blog của MS Phạm Hơn. Xin góp ý với các độc giả của trang nhà paulhon.wordpress.
Trước khi trả lời câu hỏi trên, chúng ta nên nhắc lại vụ việc cứu chuộc theo nghĩa đen và nghĩa bóng.
Trong trường hợp tôi cần có 1 triệu VND và tôi có một cái đồng hồ giá 5 triệu. Tôi có thể đem cái đồng hồ đi cầm để có 1 triệu đống. Khi có tiền tôi có thể ra tiệm cầm đồ để chuộc lại cái đồng hồ. Khi bị cầm cái đồng hồ không thuộc về tôi, nhưng người chủ tiệm cầm đồ là chủ của nó. Nó thuộc về tôi trở lại khi tôi chuộc nó về.
Hiểu theo nghĩa đen, khi chúng ta phạm tội chúng ta làm nô lệ cho tội lỗi, tội lỗi cai trị trên xác hay chết của chúng ta, và nó làm chủ chúng ta. Muốn được tự do chúng ta phải trả hết món nợ tâm linh. Món nợ đó là sự hư mất đời đời:
… tiền công của tội lỗi là sự chết. Rô-ma 6:23
Giống như người đầy tớ mắc nợ vua mười ngàn nén bạc—một số tiền khổng lồ--mà người này không thể trả được; chúng ta cũng không ai có thể trả món nợ tội lỗi. Người đầy tớ trong sách Ma-thi-ơ phải cầu xin vua tha nợ cho ông. Vị vua nhân từ tha nợ cho ông. Kinh thánh có chép,
Nhưng Đức Chúa Trời đã tỏ tình yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Chúa Cứu Thế đã chết thay cho chúng ta. Rô-ma 5:8
Chúa Giê-Su dùng huyết Ngài làm giá chuộc chúng ta khỏi người chủ tội lỗi. Kinh thánh xác định,
…dưới trời không có Danh nào khác được ban cho loài người để chúng ta phải nhờ Danh ấy mà được cứu. Công vụ 4:12
Đó là giải pháp duy nhất để chuộc con người tội lỗi.
Khi một người bằng lòng để Chúa Cứu Thế chuộc ra khỏi người chủ tội lỗi, người ấy thuộc vế Ngài và Ngài là chủ của người ấy. Người ấy được làm con của Cứu Chúa. Như vậy Chúa Giê-Su chủ động trong công tác cứu chuộc. Sự cứu chuộc không thuộc về chúng ta. Cho nên, câu hỏi không phải là người tin Chúa có thể mất sự cứu chuộc hay không, nhưng câu hỏi đúng là,
Chúa có đòi lại sự cứu chuộc hay không? Ngài có lấy lại ơn cứu chuộc của Ngài không?”
Câu trả lời là “không” vì Ngài đã chịu đóng đinh vì tội lôi của chúng sinh, và ban ơn cứu mọi kẻ tin rồi. Nhưng khi người từng tin danh Ngài không còn tin Ngài nữa, lúc ấy họ quay trở về với người chủ cũ—tội lỗi.

Chúa Giê-Su từng tuyên bố,

“Không phải hễ ai nói với Ta: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ đều sẽ vào Nước Thiên Đàng đâu, nhưng chỉ những người làm theo ý muốn của Cha Ta ở trên trời.”      Ma-thi-ơ 7:21

Khi chúng ta liên kết câu này với câu Giăng 3:16--"Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời”chúng ta thấy tin không chỉ là một lời tuyên bố, nhưng là một hứa nguyện làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời.

Cho nên, khi một người cầu nguyện tin nhận Chúa Cứu Thế, lời cầu nguyện mẫu có dạng như sau: “Lạy Chúa Giê-Su, con là tội nhân, xin Chúa tha tội con. Con xin mời Ngài ngự vào lòng và làm chủ cuộc đời con.” Lời cầu xin này chỉ nói lên phần Chúa ban cho chúng ta theo sự nhân từ thương xót của Ngài, và còn thiếu phần chúng ta muốn làm gì cho Chúa. Nhiều người tin Chúa chỉ vì nghe có phân nửa Phúc âm mà thôi, và khi biết thêm phân nửa kia thì thối lui.

Tin cậy và vâng lời là hai hành động đi đôi với nhau. Một “cha căn chú kiết” nào đó gởi email cho chúng ta và yêu cầu chúng ta chuyển khoản cho người ấy một số tiền. Chúng ta có làm không? Chắc là không bởi vì chúng ta không biết người ấy là ai, chúng ta không tin người ấy, cho nên không thể nào đáp ứng yêu cầu của người ấy được.

 Cơ đốc giáo là mối liên hệ giữa Chúa Cứu Thế và người tin. Sự liên hệ này đặt trên cơ sở của niềm tin. Giao ước mới là Cứu Chúa hi sinh chuộc tội cho chúng ta, và người tin Ngài đáp ứng bằng cách giữ lời dạy của Ngài. Chúa Giê-Su có phán,

“Nếu các con yêu mến Ta, thì sẽ vâng giữ các điều răn Ta.” Giăng 14:15        

Một người gọi Ngài bằng Chúa—người chủ của mình—nhưng không nghe lời Ngài, thì người ấy không thực sự tin Ngài, và người ấy cắt đứt liên hệ với Chúa mình.

Tại sao Đức Chúa Trời biết A-đam không nghe lời Ngài, nhưng không xuất hiện khi A-đam và Ê-va trao đổi với con rắn? Đức Chúa Trời không xen vào vì Ngài ban cho họ ý chí, và Ngài cho phép họ lựa chọn: tin Ngài hay tin con rắn.

Con cái Chúa cũng được phép lựa chọn: tin cậy và vâng lời Ngài hay không tin và không vâng lời.

Yêu cầu tin cậy và vâng lời áp dụng cho tuyển dân Chúa trong thời Cựu Ước và con cái Chúa trong thời Tân Ước. Trước khi Giô-Suê qua đời, qua ông Chúa cho dân Ngài lựa chọn…

Nếu chẳng thích cho các ngươi phục sự Đức Giê-hô-va, thì ngày nay hãy chọn ai mà mình muốn phục sự, hoặc các thần mà tổ phụ các ngươi đã hầu việc bên kia sông, hoặc các thần dân A-mô-rít trong xứ mà các ngươi ở…       Giô-Suê 20:15

Dù tuyển dân Chúa được quyền chọn tin Ngài và làm theo ý Ngài hay theo đường riêng của họ, nhưng Chúa dùng luật pháp và các tiên tri để giúp họ biết và chọn tin Ngài. Cuối cùng vì họ chọn không tin Ngài và không vâng lời Ngài nên dân Chúa bị kẻ thù bắt đi đày.

Cơ đốc nhân là một danh xưng và là một lối sống. Một người mang tên Cơ đốc nhân khi đi nhóm ngày Chúa nhật. Người Pháp có câu, “Ái áo không làm nên thầy tu.” Một người đi nhóm thờ phượng, đọc Kinh thánh chưa hẵn là một người tin Chúa chân thật. Ở những nước nơi triết lý của Khổng tử được tôn trọng, người con tốt là người con có hiếu, người con yếu thương và vâng lời cha mẹ mình. Con cái Chúa thật là những người tin cậy và vâng lời Ngài.

Lu-ca kể chuyện một người con trai đòi chia gia tài. Người cha nhân lành cho anh phần gia tài mà anh không có quyền đòi. Anh mang tiền ra nước ngoài, tiêu xài hoang phí. Hết tiền anh phải đi chăn heo. Lu-ca kể,

Nó muốn lấy vỏ đậu của heo ăn mà ăn cho no, nhưng chẳng ai cho.            Lu-ca 15:16      

Lúc ấy anh có hai lựa chọn: một là tiếp tục sống xa nhà cha trong cảnh nghèo đói, cơ cực; hai là trở về nhà, xin cha tha tội và được sống sung mãn. Nếu anh chọn con đường thứ nhất, anh mãi mãi xa cách với ông cha nhân từ. Anh chọn đúng, anh chọn trở về, xin cha tha tội và được sống cùng cha. 

Từ câu chuyện này chúng ta có thể rút ra câu trả lời cho câu hỏi: “Một người mang danh Cơ đốc nhân, nhưng cả đời vi phạm điều răn Chúa, sẽ được lên thiên đàng hay không?”

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần nhớ hai điều:

n  Muốn được nhận vào thiên đàng, một người cần phải công chính. Tính công chính chỉ đạt được qua đức tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-Su.

n  Một người dù mang danh hiệu Cơ đốc nhân, nhưng không tin cậy Chúa Giê-Su, thì tự mình chọn không sống đời đời với Đức Chúa Trời. Vâng lời là bằng chứng của lòng tin. Những ai ngụ nơi thiên đàng chắc hẵn là những người đồng ý sống theo qui tắc của Đức Chúa Trời. Một người sống theo đời sẽ không muốn đặt mình dưới sự tể trị của Ngài.

Tóm lại, Cơ đốc nhân chân chính không thể mất sự cứu chuộc vì sự cứu chuộc thuộc Chúa Giê-Su. Tuy nhiên, Cơ đốc nhân được quyền lựa chọn giữa tin cậy và vâng lời Chúa hay không. Nếu tin cậy và vâng lời Ngài thì được xưnng công chính bởi đức tin và được phép váo thiên đàng. Ngược lại, một người tự nhận mình là Cơ đốc nhân nhưng không vâng giữ điều răn và mệnh lệnh của Chúa Cứu Thế thì người này chọn không sống nơi cõi thiên đàng—nơi sống của người công chính, những người chấp nhận quyền tể trị của Chúa.

Người Truyền giảng trên Internet       


No comments:

Post a Comment