Thursday, June 4, 2009

QUÍ VỊ ĐỨNG BÊN NÀO?

Quí Vị Đứng Bên Nào? Thành phố nơi tôi định cư có vài ngàn người Việt nam và khoảng một chục Hội đoàn. Cách nay cũng khá lâu một Hội đoàn tố cáo Hội đoàn kia là thân Cộng. Lời qua tiếng lại, tiếng bấc, tiếng chì chẳng những làm cho những người trong cuộc đau lòng, mà còn làm Cộng đồng Việt Nam cũng không vui vì gà nhà bôi mặt đá nhau, hay là quân ta đánh quân mình. Phe bị tố đưa phe bên kia ra tòa. Tòa Án Quận xử phe bị cáo trả nguyên cáo 300.000 USD vì vu cáo không có bằng chứng. Dỉ nhiên là bị cáo phải kháng cáo, để mong khỏi phải trả tiền bồi thường. Trong một cuộc tranh chấp như vậy rút cục phải có phe thắng và phe thua. Phe thắng kiện và những ủng hộ viên chắc hẵn là ăn mừng, trong khi phe thua kiện khóc, và không đồng ý với Quan tòa. Sống là tranh chiến. Ai cũng biết sống yên vui, không tranh chiến là sướng nhất Tôn giáo nào cũng dạy: “Hãy yêu thương người lân cận như mình.” Nhưng đó là ước mơ mà con người không thể nào thực hiện. Quốc gia này đầu tư nhiều tỉ USD vào những cuộc chiến với quốc gia khác, trong khi nhiều người dân thiếu ăn. Thật là vô nghĩa, nhưng là sự thật, như lời tác giả sách Truyền Đạo nói, “Vô nghĩa của sự vô nghĩa, vô nghĩa của sự vô nghĩa, thảy thảy đều vô nghĩa.” Kinh thánh cho chúng ta thông tin về nguồn gốc của vũ trụ. Vũ trụ không tình cờ mà có, không từ một khối khổng lồ, bất ngờ bị nổ tung ra. Lời của Đức Chúa Trời (ĐCT) khẳng định: “Ban đầu Đức Chúa Trời sáng tạo trời và đất.” ĐCT tạo ra vũ trụ và trái đất trước, và cuối cùng Ngài mới tạo ra loài người. Sau khi tạo ra cặp vợ chồng đầu tiên, Ngài đặt họ trong vườn Ê-đen, và cho họ được tự do ăn bất cứ trái cây nào trong vườn, trừ ra Cây biết Thiện Ác. ĐCT cho họ hai lựa chọn: ăn bất cứ trái cây nào trong vườn và không đụng đến cây thiện và ác; ăn cây Chúa cấm họ. Họ có thể chọn đứng về phía Ngài hay đứng về phe ma quỉ. Rất tiếc A-đam và Ê-va không biết tầm quan trọng của mệnh lệnh Chúa và hậu quả là: “ bởi tội phạm của một người mà qua người đó sự chết thống trị...” (Rô-ma 5:17). Vì tổ phụ của loài người chọn đi qua phía bên kia, cho nên ngày nay nhân loại phải tranh chiến với nhau và với mọi tai nạn thiên nhiên và do con người gây ra. Sau khi loài người sa ngã, ĐCT có kế hoạch cứu chuộc toàn thể nhân loại. Bắt đầu kế hoạch này Ngài chọn và kết ước với Áp-ram. Ngài hứa ban cho ông một dòng dõi và đất. Gần 600 năm sau, lời hứa này mới bắt đầu được thực hiện. Trên đường tiến về Đất Hứa, ĐCT kết ước với con cháu Áp-ra-ham rằng Ngài sẽ cho thiên sứ đi trước để bảo vệ họ, với điều kiện họ không phản nghịch chống lại thiên sứ. Ngài cho họ hai lựa chọn: thờ phượng Ngài và những phước lành hay là quì lạy trước các thần của người dân mà Ngài sẽ quét sạch, và khốn khó. Sau khi đọc Kinh thánh từ sách Giô-suê cho đến Sử ký 2, chúng ta thấy dân Chúa không chọn đúng về phía Chúa, nhưng một chân đứng bên Chúa, một chân đứng bên thế gian. Cuối cùng họ không còn làm chủ Đất mà Chúa đả hứa ban cho họ vì họ không thành tín với Ngài. Ngày nay, những tín đồ của Chúa Giê-Su cũng không hơn gì dân Chúa ngày xưa. Họ cũng không đứng hẵn về phía Chúa. Chúng tôi đến định cư tại Hoa kỳ từ năm 1975. Quốc gia này được ĐCT chúc phước rất nhiều. Dù chỉ có 200 năm lịch sử mà họ trở nên đại cường. Sở dỉ như vậy là nhờ những người lập quốc là những anh hùng đức như Áp-ra-ham, I-sác, Gia-cốp. Trong Bản Tuyên ngôn độc lập, những nhà lập quốc dâng quốc gia cho Chúa, qua lời tuyên xưng đức tin: “Một quốc gia dưới sự tể trị của Đức Chúa Trời” (One nation under God). Ngày nay, mặc dù Hoa kỳ được coi như là một nước Cơ đốc, vì có nhiều người tin Đức Chúa Trời, nhưng không phải tất cả điều giữ điều răn và mệnh lệnh của Ngài. Họ thỏa hiệp với những triết lý thế tục, và quảng bá tự do của con người dù là thứ tự do không được Chúa cho phép—trái của cây biết điều thiện và ác. Vì thế nước này đang trên đà đi xuống. Không chỉ riêng Hoa kỳ, nhiều nước trên thế giới cũng đang đi xuống vì không chọn đứng bên phía Chúa. Trở lại lịch sử dân Chúa. Sau khi được ĐCT dùng quyền năng đưa ra khỏi Ai cập, dân Chúa phải đi lang thang trong đồng vắng 40 năm vì thiếu đức tin. Những người nam từ hai mươi tuổi trở lên không còn sống để vào Đất Hứa. Trước khi vào chiếm Đất Hứa, Giô-suê sai hai thám tử đi trinh sát đất đai, nhất là thành Giê-ri-cô. Hai người này vào thành, và đến nhà một người mãi dâm tên là Ra-háp và trọ tại đó. Họ được bà này giấu trên nóc nhà. Bà cho họ biết lý do nào bà đứng về phe họ: “Tôi biết CHÚA đã ban đất nước này cho các ông; chúng tôi vô cùng kinh hoàng; tất cả dân chúng trong nước này đều khiếp sợ các ông” (Giô-suê 2:8). Về phương diện đạo đức, bà là người không có phẩm hạnh. Nhưng về phương diện tâm linh, bà và gia đình bà được cứu về phần xác lẫn phần hồn nhờ bà đứng về phía ĐCT. Khi Giô-suê đã già, tuổi đã cao, ông triệu tập toàn thể các trưởng lão, các nhà lãnh đạo, các thẩm phán và các quan chức của Y-sơ-ra-ên lại. Ông nhắc lại nguồn gốc của 12 chi tộc và những gì ĐCT đã làm cho họ. Để kết luận bài giảng cuối cùng, ông cho họ lựa chọn phụng sự CHÚA, hoặc các thần mà tổ tiên họ đã phụng sự bên kia Sông Lớn, hoặc các thần của dân A-mô-rít trong lãnh thổ họ đang ở. Và ông nói với họ, "Nhưng ta và nhà ta sẽ phụng sự CHÚA.” (Giô-suê 24: 15). Sau khi Giô-suê qua đời dân Chúa sống trong Đất Hứa dưới chế độ Quan Xét, và dưới sự tể trị tối cao của ĐCT—chế độ thần trị. Khi Sa-mu-ên làm Quan xét, dân Chúa đòi ông cho họ một ông vua như những dân ngoại. Họ thưa với ông: “Ông đã cao tuổi, mà các con ông lại không noi theo gương ông. Vậy xin ông lập cho chúng tôi một vua để cai trị chúng tôi, y như tất cả các dân tộc khác đều có vua cai trị” (1 Sa-mu-ên 8:5). ĐCT chấp thuận lời yêu cầu của dân chúng, dù họ từ chối Ngài. Vị vua đầu tiên Sau-lơ lên làm vua năm 1050 trước Công nguyên (TCN). Đến năm 725 TCN, vua Ô-sê chống lại vua Sanh-ma-na-se của A-si-ri, đưa đến việc A-si-ri bao vây, chiếm thành Sa-ma-ri và chấm dứt Vương quốc miền Bắc. 137 sau vua Xê-đê-kia của vương quốc miền Nam chống lại vua Ba-by-lôn. Nê-bu-cát-nết-xa đến bao vây Giê-ru-sa-lem. Hai năm sau (586 TCN), tường thành bị phá vở, đền thờ, cung điện và toàn thể thành bị đốt cháy. Trong khoảng 1000 năm, từ khi ra khỏi Ai-cập cho đến thời tiên tri Ma-la-chi, ĐCT dùng tôi tớ Ngài kêu gọi dân Chúa đứng về phía Ngài, nhưng họ lựa chọn đứng về phía đối diện với Ngài. Vì thế trong 400 năm, Chúa yên lặng cho đến khi Ngài giáng trần làm người. Lúc ấy “Chúa đã đến trong nước Ngài mà dân Ngài không nghênh tiếp” (Giăng 1:11). Ngày ngay, trên phương diện thiêng liêng, thế giới được chia ra làm hai bên: phe tin Chúa Cứu Thế, và phe chống nghịch Ngài. Người Việt Nam có câu, “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong.” Chúng ta cần khôn ngoan khi lựa chọn phía mình đúng. Chốn Cao Hơn Qua thông tin của Email Ministry, được biết bang Queenland của Úc bị lũ lụt làm thiệt hại giao thông, nhà cửa và mùa màng. Trước hết tôi xin chia buồn với người dân Úc và cầu xin Đức Chúa Trời giúp người dân ở đây gầy dựng lại sản nghiệp. Đồng thời tôi xin được chia vui và tạ ơn Chúa với anh Huỳnh văn Lãm vì nhà anh và văn phòng Email Ministry chỉ bị thiệt hại chút ít nhờ ở trên cao. Thông tin này nhắc tôi bài thánh ca Chốn cao hơn (Higher ground) và điệp khúc của bài hát: “Nguyện Cha nâng bước, bước lên càng cao, Lòng tin không núng, chốn cao đặt chân, Chỗ đã đạt rày, dám yên vui nào, Chúa đỡ chân vào ngay chốn cao hơn.” (Lord, lift me up, and let me stand By faith on heaven's table land; A higher plane than I have found, Lord, plant my feet on higher ground). Trong sách Sáng thế ký có một nhân vật tạo ấn tượng cho tôi hơn hết là Giô-sép. Ông được vua Ai cập ban cho chức vụ cao hơn hết, chỉ đứng sau vua mà thôi. Ông được đưa lên chức vụ này sau khi bị các anh ném xuống giếng, bán cho lái buôn Á rập, bị bán làm nô lệ và bị bỏ tù vì bị cáo gian. Ông được cất lên cao từ thung lũng sâu. Một nhân vật trẻ khác cũng đáng nhắc đến. Đó là Đa-vít. Là con út trong gia đình, ông không được giao cho một trách nhiệm quan trọng, nhưng được giao cho công tác chăn chiên. Ông được gọi về nhà từ đồng cỏ để được xức dầu làm vua dân Y-sơ-ra-ên. Sách Tin lành Lu-ca kể chuyện Chúa Giê-Su được một người Pha-ri-si tên Si-môn mời đến nhà. Trong khi Ngài dự tiệc, một phụ nữ lấy tóc mình lau và hôn chân Ngài rồi xức dầu thơm lên (Lu-ca 7:38). Nhiều người không hài lòng vì Chúa cho phép một phụ nữ có tiếng xấu làm như vậy. Ngài dạy chủ nhà và những người khách: :” Dù tội lỗi chị này nhiều lắm, nhưng đã được tha thứ hết, nên chị yêu mến nhiều. Ai được tha thứ ít thì yêu mến ít” (Lu-ca 7: 47). Quay sang người phụ nữ tội lỗi này Chúa phán, “Tội lỗi con đã được tha.” Người đàn bà trong câu chuyện này biết mình đang ở dưới vực sâu. Bà hạ mình xuống thật thấp, và Chúa Cứu Thế đưa bà lên chốn cao hơn. Chúng ta có thể suy đoán bà sống một cuộc đời mới, một cuộc đời sung mãn theo ý Chúa. Hai sách Tin lành Ma-thi-ơ và Mác kể chuyện một người đàn bà Ca-na-an xin Chúa Giê-Su giúp con gái bà bị quỉ ám. Ngài trả lời: “Ta chỉ được phái đến cho những con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên mà thôi.” Ngài cho bà biết thêm là Ngài không thể lấy bánh của con mà chia cho chó. Người đàn bà không bất mãn với câu trả lời của Chúa. Nhưng bà biết mình hèn mọn, chỉ mong Chúa ném cho bà những mảnh bánh vụng. Chúa khen bà có đức tin lớn và nhậm lời cầu xin của bà. Người đàn bà Ca-na-nan này đã hạ mình xuống rất thấp và được Chúa đưa bà lên chốn cao hơn. Trong tín thư gởi Hội thánh Phi-líp, Phao-lô cho chúng ta biết Đức Chúa Trời tôn Chúa Giê-Su lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên mọi danh; để khi nghe đến danh của Đức Giê-su, mọi đầu gối trên trời dưới đất, bên dưới đất đều phải quỳ xuống, và mọi lưỡi phải tuyên xưng Chúa Cứu Thế Giê-su là Chúa. (Phi-líp 2:10-11). Nhưng, trước khi nhận được ân huệ này, Chúa Giê-Su phải từ bỏ bản thể Đức Chúa Trời, và mang lấy bản thể của một tôi tớ. Ngài đã tự hạ mình xuống, chịu vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên thập tự giá, nghĩa là phải chịu đau đớn của thân xác và sỉ nhục. Những mẫu chuyện trên dạy chúng ta: 1. Muốn được nâng lên cao, trước hết chúng ta phải biết hạ mình xuống rất thấp. 2. Muốn làm chủ, trước hềt phải tập làm tôi tớ. 3. Thay vì hướng về mình, phải hướng về Chúa. 4. Chúa phải được dấy lên, con người của chúng ta phải bị hạ xuống. 5. “Đừng làm điều gì vì tham vọng ích kỷ hoặc hư vinh nhưng hãy khiêm tốn, coi người khác hơn mình” (Phi-líp 1:3). 6. Muốn được lên chốn cao hơn, cần phải gần Chúa vì Chúa ngự trên cao. 7. Hạ mình xuống thật thấp, thật thật thấp. Ai hiện đang ở dưới vực sâu, đừng nãn lòng vì “Phước cho người than khóc,vì sẽ được an ủi” (Ma-thi-ơ 5:5). Khi bị thử thách, hãy kiên nhẫn trông đợi Chúa vì Ngài sẽ đưa chúng ta lên chốn cao hơn. Người Thợ Mộc Con trai Út của chúng tôi chịu trách nhiệm chăm sóc cỏ cây. Nhân Ngày Lễ Các Bà Mẹ năm nay, nó nhờ ông hàng xóm đóng dùm ba cái chậu gổ và hai cái băng bằng cây để làm quà tăng mẹ nó. Khi ông Gary đóng xong, nó đem về sơn phết cho đẹp và bảo vệ cho chậu và băng lâu mục. Khi nó đang lui cui sơn phết thì ông hàng xóm chạy sang để thăm nó. Không biềt hai người nói chuyện gì với nhau. Nhưng tôi đoán là ông đang hướng dẫn con tôi cách bảo quản. Ông ngắm nhìn công trình mỹ thuật mà ông tạo, có vẻ rất hài lòng với tác phẩm của mình. Kinh thánh ghi rằng: “Ban đầu Đức Chúa Trời tạo ra trời và đất.” Sau khi tạo ra vật gì thì “Đức Chúa Trời thấy điều ấy là tốt.” Câu này được lập lại năm lần trong đoạn 1 của sách Sáng thế ký. Sau khi hiòan tất công cuộc sáng tạo, “Đức Chúa Trời nhìn mọi vật Ngài dựng nên và thấy là rất tốt” (Sáng 1:31). Vì bản tính hoàn hảo của Ngài, Đức Chúa Trời không tạo ra vật kém chất lượng. Tạo vật của Ngài là hoàn hảo. Sở dỉ loài thọ tạo của Đức Chúa Trời ngày nay hư hỏng là vì loài người phạm tội không vâng phục Ngài. Loài người sa ngã đưa đến sự nguyền rủa cho toàn thể tạo vật. Do đó, ngày nay loài người phải chịu nhiều khổ nạn như dịch cúm, lũ lụt, đông đất, núi lửa, cháy rừng, mất mùa, khô hạn, gió bảo và nhiều tai vạ khác. Hai ngàn năm trước đây Đức Chúa Trời giáng trần làm người để giải cứu con người khỏi khổ và khỏi sự chết tâm linh. Thánh Giăng nói về Chúa Giê-Su, “Tất cả đều được Ngài sáng tạo. Không gì hiện hữu mà không do Ngài” (Giăng 1:3). Chúa Cứu Thế Giê-Su cũng là Đấng Sáng tạo như Đức Chúa Trời. Ngài cũng là Đấng tái tạo. Khi chúng ta chấp nhận thần tính của Ngài và sự cứu chuộc của Ngài thì chúng ta “được quyền trở thành con Đức Chúa Trời.” Điều này có nghĩa là người tin Chúa Giê-Su sẽ được giải phóng khỏi sự nguyền rủa của tôi lỗi. Điều này không có nghĩa là người tin Chúa Giê-Su sẽ được miễn trừ mọi khổ nạn, nhưng con cái Chúa có hi vọng, bình an và niềm vui trong Ngài. Một món đồ bằng cây phải được sơn phết để chống lại nắng mưa. Người tin Chúa cần mang mũ cứu chuộc, áo giáp công chính, thắt lưng lẽ thật, cái khiên đức tin, giày bình an và quan trọng hơn hết là gươm Thánh Linh mới có thể chống lại những mũi tên mà Sa-tan bắn tưới tắp không ngừng. Những vật bằng gổ do bàn tay người tạo không tồn tại mãi dù cho chúng ta gìn giữ cẫn thận đến đâu. Một người không được Chúa Cứu Thế tái tạo không đưọc sự sống đời đời. Huỳnh Ngọc Ẩn 11/05/09

No comments:

Post a Comment